“Đau đầu” chuyện bản quyền sách điện tử

Dù được trông chờ sẽ mang đến một sự đột phá cho ngành xuất bản, nhưng sau hơn ba năm chính thức phổ biến, thị trường sách điện tử (ebook) trong nước vẫn hết sức èo uột. Nguyên nhân chủ yếu là do vẫn chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện cho sản phẩm văn hóa này, khi luật đang quản lý rất chặt các đơn vị phát hành có bản quyền nhưng các đơn vị vi phạm bản quyền xuất hiện ngày càng nhiều và ngang nhiên hoạt động.

img

Chọn mua sách điện tử tại Hội chợ sách Hà Nội năm 2015. Ảnh: Đăng Khoa
 

Mâu thuẫn giữa tiềm năng và thực tế

Theo thống kê, trong năm 2014, doanh số sách điện tử chiếm khoảng 12,3% doanh số thị trường sách thế giới. Tại Mỹ, có 95% số thư viện cung cấp ebook cho bạn đọc; dự báo năm 2017, doanh số ebook sẽ vượt doanh số sách in (!) Thế giới “tốc độ” là thế, vậy mà thị trường ebook Việt Nam lại phát triển rất chậm chạp, dù có những điều kiện thuận lợi với khoảng 40% dân số sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay thông minh; là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật dành riêng cho ebook (Luật Xuất bản có hẳn một chương cho loại sách này) và dân số trẻ là đối tượng dễ dàng tiếp nhận ebook…

Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này có bản quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện, lượng ebook còn rất khiêm tốn khi những đơn vị sở hữu nhiều đầu ebook nhất như Alezza (Công ty Vinapo) cũng chỉ có chừng 10.000 đầu sách; trong đó phần lớn là sách dạy ngoại ngữ, hướng nghiệp… Một số đơn vị có nguồn sách được nhiều bạn đọc quan tâm như các Nhà xuất bản (NXB): Chính trị Quốc gia - Sự thật, Trẻ, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh… cao nhất cũng chỉ khoảng 2.000 đến 3.000 đầu sách; thậm chí có đơn vị chỉ sở hữu hơn 100 đầu sách. Một lý do quan trọng thuộc về chi phí khi việc số hóa đúng chuẩn cho một cuốn sách khá cao, trung bình xấp xỉ một triệu đồng/cuốn. Như vậy, để có được 2.000 đến 3.000 cuốn phải cần từ hai đến ba tỷ đồng, vượt ngoài khả năng của hầu hết các NXB. Ngay cả các NXB lớn cũng khó chi ra một số tiền như vậy để đầu tư cho ebook mà chủ yếu lấy từ nguồn bản thảo sách mới xuất bản, vốn đã được hoàn thiện sẵn dưới dạng số cho nên không tốn chi phí số hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường ebook của Việt Nam còn tự phát, nhộn nhạo và đặc biệt nan giải về vấn đề bản quyền; nhất là nội dung sách điện tử có thể bị thay đổi ngoài tầm tay của NXB. Đại diện NXB Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc nộp lưu chiểu với sách điện tử hiện nay đang có vấn đề vì có quá nhiều kiểu định dạng file, trong đó có một số file vì lý do bảo mật hoặc đặc tính kỹ thuật không xác định được dung lượng. Đây cũng là điều cần tính toán để có cách quản lý sách điện tử lưu chiểu hợp lý, hiệu quả hơn. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng song song với bản sách giấy, sách điện tử có thể được bổ sung thêm các dữ liệu multimedia như âm thanh, vi-đê-ô clíp… và như vậy tổng thể nội dung không còn nguyên bản như sách in; vậy nên chăng, cần cấp số ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế) riêng cho ebook?

Dù doanh thu từ ebook trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ (ở Mỹ tăng từ 64 triệu USD năm 2008 lên tới ba tỷ USD năm 2014), nhưng những nhà làm ebook ở Việt Nam cho biết vẫn phải bù lỗ; bởi người Việt Nam vẫn duy trì thói quen “đọc miễn phí” trên mạng trong khi hệ thống luật còn lỏng lẻo, khó chế tài sách điện tử không bản quyền. Theo Giám đốc nhà bán sách Alezaa Trần Xuân Phương, thói quen “xài chùa” đang gián tiếp làm nạn sách lậu gia tăng khi lâu nay không ít người thản nhiên chia sẻ các bản ebook trên mạng xã hội, hay tải sách trên các diễn đàn; nhiều người có tư tưởng sẵn sàng bỏ thời gian tìm kiếm, cài đặt để đọc những bản ebook lậu, rất nhiều lỗi. Ngay cả sách có bản quyền cũng rất rẻ khi chỉ mất 365.000 đồng/năm (tức 1.000 đồng/ngày), người đọc có thể đọc thoải mái 10.000 đầu sách trên trang Alezaa.com, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư khó tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, dịch vụ đọc sách điện tử có bản quyền của các doanh nghiệp hiện rất ít, như Ybook (NXB Trẻ), Sachweb (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh), Komo (Công ty Phương Nam), Alezza (Vinapo), Sachbaovn (Công ty Tin học Lạc Việt), Tiki, Vinabook…

Cần mạnh tay dẹp “loạn” bản quyền

Theo thông lệ quốc tế, các đơn vị xuất bản sau khi đã bán bản quyền sách giấy cho đối tác nào thì bản quyền ebook cũng sẽ được bán cho đối tác đó. Còn ở nước ta, vừa qua, NXB Trẻ phải “đau đầu” tìm cách giữ lại bản quyền ebook của một nhà văn ăn khách nhất mà lâu nay NXB vẫn xuất bản sách giấy. Có công ty kinh doanh ebook lại phải “nhờ” một đơn vị khác mua hộ bản quyền ebook bộ truyện tranh Nhật Bản ăn khách Conan, bởi họ đã xin mua từ NXB Kim Đồng nhưng NXB này cho biết không bán bản quyền ebook khi đối tác đã mua bản quyền sách giấy. Đáng lưu ý, việc chỉ xin cấp phép ebook mà bỏ qua công đoạn ra sách giấy được áp dụng rộng rãi ở nước ngoài lại khá khó khăn ở trong nước. Một lãnh đạo ngành xuất bản lý giải, cấp phép thẳng như vậy sẽ rất khó kiểm soát nội dung nếu sách này được mang đi kinh doanh ở các trang mạng khác nhau; bởi sách giấy dễ kiểm soát nội dung, còn sách điện tử nếu bị thêm, bớt gì vào rất khó phát hiện (!) Từ những thực tế nêu trên cho thấy sự lúng túng trong xử lý bản quyền của các đơn vị xuất bản và hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng.

Khoảng từ năm 2008, ở nước ta bắt đầu xuất hiện các website dạng diễn đàn, mạng xã hội tự tổ chức thu thập và chia sẻ hàng trăm nghìn tựa ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức khá rẻ. Các website này không cần xin phép xuất bản, phát hành và không trả tác quyền cho tác giả. Gần đây lại xuất hiện thêm dòng ebook dưới dạng các ứng dụng (app) cung cấp trên kho phần mềm AppStore của Apple, Google Play và các App Store tự xây dựng của Việt Nam, Trung Quốc… khiến việc phát tán ebook không bản quyền ngày càng dễ dàng hơn. Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, chỉ trong chín tháng năm 2015 đã ngăn chặn, xử lý 12 trang web có hoạt động đăng tải, phát tán bất hợp pháp các ấn phẩm vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền tác giả. Ngoài ra, 10 NXB “ảo” thành lập trái phép hoạt động xuất bản, phát hành ebook tiếng Việt như: Giấy Vụn, Cửa, Tùy Tiện, Liên mạng… có nhiều sai phạm, thậm chí phát tán tài liệu điện tử chống phá Nhà nước. Tình trạng xâm phạm bản quyền lâu nay rất phổ biến, song các chủ sở hữu tác quyền ít khi khiếu nại vì thủ tục phức tạp và khó đòi bồi thường. Bên cạnh đó, do Luật Xuất bản vẫn chưa đưa ra các biện pháp chế tài đối với ebook lậu. Theo Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa, Chương 5 Luật Xuất bản 2012 đã đặt ra khung pháp lý cho ebook, tuy nhiên, vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp tình hình Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, luật đang quản rất chặt các đơn vị phát hành ebook có bản quyền, nhưng rất nhiều đơn vị vi phạm bản quyền lại vẫn ngang nhiên hoạt động. Chính vì thế, cần phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn.

Theo thống kê về thương mại điện tử tại Việt Nam, chỉ trong vòng hai năm qua, giá trị giao dịch đã tăng gấp đôi từ 2,2 tỷ USD (năm 2012) lên 4,08 tỷ USD (năm 2014). Trong đó, ebook chiếm 20% số mặt hàng thường bán. Rõ ràng, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tiềm năng của ebook Việt Nam là không nhỏ trước tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ. Thời gian qua, hầu hết các NXB trong nước phải tự “tìm đường” để chống nạn xâm phạm bản quyền ebook; nhiều đơn vị tìm đối tác sản xuất, phát hành chuyên nghiệp cùng hợp tác và mong đợi vào ý thức tự giác của người đọc. Song, một cơ chế quản lý phù hợp với hành lang pháp lý chặt chẽ và những chế tài mạnh là điều hết sức cần thiết phải thực hiện đối với các cơ quan chức năng. Điều đó sẽ góp phần bảo vệ quyền tác giả; giúp thị trường ebook phát triển lành mạnh, bền vững.