(Mic.gov.vn) -
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho biết quan điểm của Bộ Y tế vẫn là đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá kiểu mới vì các sản phẩm này đều có hại cho sức khỏe.
ảnh minh họa
Bà Trang cho biết hiện tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam và các nước trên thế giới đang có xu hướng gia tăng.
Theo bà Trang, trên thế giới sản phẩm này đã được sử dụng trong khoảng mười năm trở lại đây. Nhiều nghiên cứu cho thấy người trẻ, học sinh, sinh viên là đối tượng chính sử dụng các sản phẩm này. Hiện nay, mặc dù các sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam nhưng xu hướng sử dụng đang tăng, đặc biệt tăng rất nhanh tại Hà Nội và TP.HCM do dễ dàng tiếp cận với sản phẩm nhập lậu, xách tay.
Theo các kết quả khảo sát từ năm 2017 đến nay, tỉ lệ sử dụng từ 11,7% tăng lên hơn 27% ở học sinh lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong khi đó cơ quan chức năng lại gặp nhiều khó khăn trong quản lý, mua bán thuốc lá điện tử.
"Khi Quốc Hội ban hành Luật Phòng chống tác hại năm 2012, lúc này thuốc lá điện tử chưa xuất hiện. Vì vậy quy định pháp luật về sản phẩm thuốc lá này chưa có đầy đủ. Hiện luật chưa điều chỉnh và theo quy định hiện hành các sản phẩm thuốc lá này chưa được phép sản xuất kinh doanh và nhập khẩu vào Việt Nam. Những sản phẩm này được xếp vào nhóm thuốc lá lậu, buôn lậu. Nếu các sản phẩm này bán trên thị trường là vi phạm các quy định về phòng chống buôn lậu, nếu trộn thêm các loại ma túy là vi phạm Luật Phòng chống ma túy.
Bộ Y tế đã khuyến cáo sản phẩm này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất cao. Ngoài nicotin là chất gây nghiện, thuốc lá điện tử còn chứa rất nhiều hóa chất độc hại, với những hương liệu làm thu hút các thanh thiếu niên và gây nghiện.
Theo thống kê, hiện thuốc lá điện tử có khoảng hơn 18.000 hương liệu khác nhau, mỗi hương liệu lại được pha trộn. "Vì những nguy hại của thuốc lá điện tử đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị cấm sử dụng thuốc lá điện tử", bà Trang cho biết.
Về giải pháp nhằm ngăn chặn sản phẩm thuốc lá điện tử tiếp cận với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, bà Trang nêu rõ đầu tiên cần giảm tiếp cận của giới trẻ đối với các sản phẩm này, cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Thứ hai, cần đẩy mạnh truyền thông về tác hại và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thuốc lá điện tử. Trong nhà trường và cha mẹ học sinh ngăn ngừa nguy cơ tiếp cận.
"Chúng ta đã cấm bán thuốc lá trước cổng trường 100 mét, thì thuốc lá điện tử cũng vậy. Cuối cùng công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để ngăn chặn thuốc lá điện tử tràn lan trên thị trường như hiện nay" - bà Trang nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Nga (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):
Không giải quyết sớm, hệ lụy rất lớn
Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11-2022 có nêu tình trạng chất ma túy tràn ngập vào học đường qua thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước ngọt chứa chất ma túy là tình trạng nghiêm trọng. Ngoài sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD-ĐT cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa. Các trường học có thể cấm thuốc lá điện tử, thực trạng này nếu không giải quyết sớm sẽ để lại hệ lụy rất lớn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội):
Đừng để trả giá vì thuốc lá điện tử
Từ năm 2020 tôi đã từng nêu sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe trước Quốc hội. Thuốc lá điện tử nguy hại không kém gì thuốc lá truyền thống, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Dung dịch được sử dụng trong thuốc lá điện tử là chất phối trộn, không thể kiểm soát. Nhà sản xuất hay người dùng đều có thể tự ý đưa bất kỳ chất nào vào trong dung dịch, kể cả ma túy và đây là nguy hại lớn nhất.
Do vậy, chúng ta cần cấm ngay, cấm càng sớm càng tốt thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Tôi mong Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên ngành có quy định để chấm dứt tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử. Chúng ta đã trả giá rất lớn cho thuốc lá truyền thống, đừng để phải trả giá thêm cho thuốc lá điện tử.
TS.BS Nguyễn Hải Công (chủ nhiệm khoa lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175):
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục
Công tác tuyên truyền và giáo dục sức khỏe về tác hại của thuốc lá thế hệ mới nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng chưa được triển khai một cách đầy đủ, đặc biệt là lứa tuổi học đường, thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị tổn thương, nhận thức chưa đủ. Nếu không tuyên truyền, giáo dục tốt thì dẫn đến nguy cơ rất lớn là một thế hệ trẻ lạm dụng thuốc lá điện tử, tạo gánh nặng cho y tế và xã hội.