Nâng cao nhận thức người dân về môi trường không khói thuốc

Thứ năm, 24/12/2015 13:18

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, năm 2015, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tiếp tục hỗ trợ hàng chục bộ, ngành, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc. Trong thời gian gian tới sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, can thiệp tại cộng đồng về phòng chống tác hại của thuốc lá…

img

Nhiều bệnh viện, cơ quan đã thực hiện “môi trường không khói thuốc”. Ảnh: Văn Tuấn

Thuốc lá - Nguyên nhân gây gia tăng bệnh tật

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, với gần một nửa nam giới trong độ tuổi trưởng thành hút thuốc, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Hơn 75% các ca tử vong ở Việt nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.
 
Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá). Ước tính cả nước có khoảng 15,3 triệu người (hơn 15 tuổi) hút thuốc lá; 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; hơn 5 triệu người trưởng thành tuy không hút thuốc nhưng vẫn thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nơi làm việc.
 
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) kiêm Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) cho biết, sử dụng thuốc lá đang dịch chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác động về sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam.Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội.
 
Việc sử dụng thuốc lá phổ biến là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng tại Việt Nam trong thời gian qua như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi …là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.
 
Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não do hút thuốc lá. Nguyên nhân được xác định là các chất độc trong khói thuốc lá (nicotine) ban đầu sẽ kích hoạt các chất truyền dẫn thần kinh trung gian gây tỉnh táo, thư giãn nhưng nếu hút thuốc thường xuyên thì các thành mạch máu bị tổn thương. Đây là mầm mống gây ra chứng xơ vữa thành mạch máu làm nguy cơ tai biến mạch máu não tăng lên gấp đôi. Nguy cơ tai biến mạch máu não càng tăng cao đối với những người từng có tiền sử mắc bệnh về huyết áp hoặc hút thuốc trong thời gian dài.
 
Đối với các trường hợp phụ nữ hút thuốc lá trong thời kỳ có thai có thể khiến thai nhi giảm trọng lượng, sinh non, băng huyết sau sinh, dễ sẩy thai ngẫu nhiên, gia tăng tần suất sinh ra thai nhi bị bất thường bẩm sinh. Với người đang cho con bú, nicotine được thải qua sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
 
Đặc biệt là nam giới hút thuốc lá làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và nguy hiểm hơn là hút thuốc làm giảm nghiêm trọng dòng máu đến dương vật, một số trường hợp gây liệt dương.
 
Đối với hệ thần kinh, khói thuốc lá làm giảm số lượng các tế bào thần kinh trong não, làm suy giảm trí nhớ. Khói thuốc lá còn gây ung thư môi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư bàng quang và thận, ung thư cổ tử cung.
 
Nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng môi trường không khói thuốc
 
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết, sau gần 2 năm thành lập (29/7/2013), Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có nhiều hoạt động thiết thức trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc.
 
Cụ thể, trong năm 2014, Quỹ đã hỗ trợ cho các đơn vị để triển khai hoạt động, bao gồm 6 bộ/ngành và tổ chức xã hội như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công an; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và 11 tỉnh/thành phố gồm: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng, TP Huế, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, TP Hạ Long,TP Hội An, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
 
Năm 2015, Quỹ tiếp tục hỗ trợ tăng lên 22 bộ, ngành, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá được đẩy mạnh tới cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký bản cam kết thực hiện các quy định của Luật PCTHTL và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đến nay, đã có 62% số công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai thực hiện, khoảng 100 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ đạo triển khai mạnh mẽ việc thực hiện trường học và bệnh viện không khói thuốc trong toàn quốc. Nhiều mô hình khác như: “Xây dựng cộng đồng dân cư không khói thuốc”, “Thành phố du lịch không khói thuốc” cũng được các tỉnh, thành phố hưởng ứng tích cực. Theo đó, tại nhiều cơ quan, việc không hút thuốc ở nơi làm việc được coi là văn minh công sở. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động...
 
Ngoài ra, năm 2015, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá còn phối hợp với TP Hà Nội, TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh triển khai và dự kiến đạt ít nhất 50 nhà hàng tại TP Hà Nội, 50 nhà hàng TP Hồ Chí Minh và 50 nhà hàng TP Hải Phòng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà. Có ít nhất 20 khách sạn từ 4 sao trở lên tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh có khu vực dành riêng cho người hút thuốc đúng quy định. 
 
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, trong thời gian gian tới sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, can thiệp tại cộng đồng về PCTH của thuốc lá; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều phối, giám sát chương trình PCTH của thuốc lá cho cơ quan điều hành quỹ và các mạng lưới cán bộ chủ chốt về PCTH của thuốc lá tại các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về PCTH của thuốc lá tại các tỉnh, thành phố. Đồng thời sẽ nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các hoạt động can thiệp: Phổ biến kết quả nghiên cứu Điều tra toàn cầu lần 2 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành; đánh giá hiệu quả của cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc; đánh giá thực trạng công tác cai nghiện thuốc lá, các can thiệp về kinh tế, y tế đối với chương trình PCTH của thuốc lá; đánh giá hiệu quả của các chương trình truyền thông...
 
PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, trong giai đoạn này, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp ưu tiên như tuyên truyền nhiều hơn, sâu rộng hơn về tác hại thuốc lá. Tuyên truyền hướng dẫn thực thi Luật PCTH thuốc lá và các văn bản, quy định liên quan và thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về PCTH thuốc lá, đặc biệt là quy định thực hiện môi trường không thuốc lá trong các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và nơi làm việc...
Văn Tuấn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top