Cơ quan báo chí cần có nhiều nguồn thu để bù đắp các hoạt động

Đại diện Thông tấn xã Việt Nam nói rằng các cơ quan báo chí cần phải có nhiều nguồn thu khác nhau để bù đắp vào hoạt động thường xuyên. Các hãng thông tấn trên thế giới cũng sống bằng kinh doanh bên ngoài rất nhiều, nên chăng Luật Báo chí lần này cũng “mở” hơn cho báo chí Việt Nam trong việc này.

img

Ông Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 21/5, ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết việc xây dựng Luật Báo chí lần này được dựa trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và dự báo xu hướng phát triển của báo chí trong thời gian tới. Chính vì thế luật mới sẽ phải khắc phục những bất cập, chưa đầy đủ hiện nay; đồng thời tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, có định hướng và đề cao trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí…

Theo đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, hiện nay đang có hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới báo chí. “Luật Báo chí mới ra thì phải pháp điển hóa các văn bản hiện hành như thế nào, đó là câu hỏi cần được quan tâm hơn, để tạo thuận lợi trong quản lý và hoạt động của báo chí”- vị này nói.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Việc xây dựng Luật Báo chí lần này phải làm sao để khi luật được ban hành có thể áp dụng được ngay, tránh phải chờ đợi nhiều văn bản hướng dẫn. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở TPHCM và cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp”.

Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí

Theo ông Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng Cục Báo chí - điều 7 dự thảo Luật Báo chí đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí. Quỹ này là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

“Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cơ quan báo chí và các hoạt động phát triển báo chí và được miễn thuế. Việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí phải đúng mục đích và theo quy định của pháp luật”- ông Lượng nói.
Dự thảo quy định nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ này.

“Hiện nay đang có luồng ý kiến băn khoăn về việc có nên thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí này hay không? Chúng tôi quyết định vẫn đưa nội dung này vào dự thảo để mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể của các cơ quan thông tấn, báo chí”- ông Lượng nói.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí cần phải xem xét lại cho kỹ lưỡng.

“Trước đây Quỹ hỗ trợ điện ảnh cố sống cố chết để được đưa vào Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng tới giờ chưa được đồng nào. Chúng tôi đang đau đớn chỗ này, vì đưa vào luật nên không thực hiện mới chết. Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí cũng phải tính tới tính khả thi của nó, bởi sau này còn phải qua lại nhiều cửa nữa, đặc biệt là Bộ Tài chính họ sẽ không đồng ý đâu”- ông Thái bày tỏ.

Không nên quy định về độ tuổi của Tổng biên tập

Theo dự thảo Luật Báo chí, tuổi đảm nhiệm chức danh Tổng biên tập, Phó tổng biên tập không quá tuổi nghỉ hưu của Luật lao động. Trường hợp đặc biệt không quá 5 năm so với quy định của Luật lao động.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Thái quy định về độ tuổi của Tổng biên tập và Phó tổng biên tập cơ quan báo chí như vậy không phù hợp với quy định tại chính Điều 18 của bản dự thảo. Điều 18 quy định: “Cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí quy định tại Điều 3 của dự thảo luật (báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử) và tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”.

“Như vậy, thực hiện theo điều 18 của dự thảo luật thì phải áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp chứ. Thế thì có nên quy định cứng độ tuổi của Tổng biên tập và Phó tổng biên tập hay không, bởi thực tế tôi biết đã có những Tổng biên tập 88 tuổi vẫn điều hành tốt công việc”- ông Thái nói.

Ông Thái phân tích thêm: Hiện nay nhiều tờ báo có cơ quan chủ quản là các hội, hiệp hội. Lãnh đạo các hội, hiệp hội này thường là những cán bộ, lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước về hưu, nên việc đưa ra quy định cứng về độ tuổi của Tổng biên tập và Phó tổng biên tập không quá 65 tuổi là điều không nên.

“Tôi đơn cử như thành viên Hội Người Cao tuổi chẳng hạn, chắc chắn phải vượt quá tuổi như trong quy định rồi chứ. Hay như tôi biết bác Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam (cơ quan chủ quản là Hội khoa học Kinh tế Việt Nam) vẫn đang giữ chức vụ khi đã gần 90 tuổi rồi. Tôi cho rằng tờ báo nào của nhà nước quản lý thì đúng tuổi thì về nghỉ, nhưng có những cái không phải thế. Chúng ta phải tách bạch ra nếu không mâu thuẫn”- ông Thái bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, đại diện Thông tấn xã Việt Nam nói rằng các cơ quan báo chí cần phải có nhiều nguồn thu khác nhau để bù đắp vào hoạt động thường xuyên. Các hãng thông tấn trên thế giới cũng sống bằng kinh doanh bên ngoài rất nhiều, nên chăng Luật Báo chí lần này cũng “mở” hơn cho báo chí Việt Nam trong việc này.

Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định việc cơ quan báo chí có điều kiện huy động vốn để làm khách sạn kinh doanh, bù vào hoạt động là được phép.

“Nghị quyết của Đảng cũng đã cho phép thí điểm thành lập một số tập đoàn báo chí rồi cơ mà. Báo Tuổi Trẻ đã làm việc này, kinh doanh khách sạn, nhà hàng ngoài báo chí. Chỉ có một điều: Không được biến cơ quan báo chí thành một đơn vị cổ phần, bởi lúc đó các cổ đông sẽ vì lợi nhuận để yêu cầu đưa thông tin giật gân câu khách nhằm mục đích bán báo”- ông Nguyễn Thế Kỷ nói.

Ông Trương Minh Tuấn giải thích thêm: “Điều 25 dự thảo về Tài chính của cơ quan báo chí đã nêu rõ rồi. Tài chính của cơ quan báo chí bao gồm các nguồn từ cơ quan chủ quản báo chí cấp, thu từ bán báo, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ và tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cơ quan báo chí phải thực hiện, chấp hành chế độ kế toán, thống kê, thanh tra, kiểm tra tài chính và nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo

Điều 26 dự thảo luật quy định về tiêu chuẩn phóng viên thường trú như sau: “Phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú; không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn 1 năm tính đến khi đề nghị đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú”.

“Tại sao dự luật lại quy định phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo như vậy? Quy định như thế sẽ đóng cửa cơ hội làm báo của rất nhiều anh em ở các địa phương. Tôi cho rằng nếu phóng viên thường trú hoạt động độc lập thì cần có thẻ nhà báo vì cơ quan báo chí của họ chưa có điều kiện đặt văn phòng đại diện tại địa phương đó. Còn nếu tờ báo đã có văn phòng đại diện đặt tại địa phương rồi thì đồng chí trưởng văn phòng đại diện có trách nhiệm quản lý đội ngũ của mình. Theo quy định hiện nay để có thẻ nhà báo thì phải mất khoảng 3 năm nên quy định này cần được làm rõ thêm”- Phó tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Nga bày tỏ.

Hơn nữa, bà Nguyễn Nga bày tỏ nhiều băn khoăn xung quanh các quy định liên quan đến việc tuyên truyền theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. “Theo giấy phép thì Báo Giao thông chỉ được tuyên truyền xung quanh các lĩnh vực liên quan đến giao thông vận tải mà thôi, báo Nông nghiệp Việt Nam chỉ được phản ánh xung quanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trồng lúa, chăn bò,… Vậy thì độc giả không thể đủ tiền để mua rất nhiều tờ báo để đọc được thông tin ở các lĩnh vực xã hội khác nhau. Hay những tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ có được đăng thông tin ngoài hay chỉ đăng tin về hoạt động của mình thôi ?. Nếu căn cứ theo tôn chỉ của giấy phép được cấp thì chúng tôi cũng có sai phạm, dù hiện nay các lĩnh vực giao thông đã chiếm 60% thông tin trên trang báo rồi. Vậy thì nên chăng chỉ quy định thông tin trên tờ báo đúng tôn chỉ mục đích chiếm khoảng bao nhiêu % thôi”- bà Nga phân tích.

Ông Nguyễn Thế Kỷ lý giải: Báo Giao thông chỉ nên viết chuyên sâu về những vấn đề liên quan đến giao thông, vận tải để phục vụ đối tượng độc giả của mình. Báo Giao thông có thể cũng phản ánh, đưa tin về kỳ họp Quốc hội, họp Chính phủ nhưng chắc chắn độc giả đã tiếp nhận những thông tin đó qua các kênh báo chí khác nhanh nhạy hơn rồi. “Nên tập trung vào những cái gì gan ruột của anh. Nếu nói cấm, hạn chế thì khiên cưỡng nhưng thầy giáo thì đi dạy học, thầy thuốc thì đi chữa bệnh”- ông Kỷ nói.

Hoạt động tác nghiệp của nhà báo có phải thi hành công vụ?

Dự thảo Luật Báo chí quy định báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Tổ chức, cá nhân không được hạn chế, cản trở cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Báo chí có thể tiếp nhận và đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân có nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và không vi phạm. Trường hợp không đăng, phát, cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời cho tác giả bằng hình thức hộp thư, nhắn tin hoặc bằng văn bản khi có yêu cầu. “Công dân gửi ý kiến tới thì phải xem có phù hợp với tôn chỉ mục đích hay không. Một tạp chí về y tế lại tiếp nhận đơn được từ khiếu nại về đất đai thì phải chuyển đến tờ báo khác”- ông Hoàng Hữu Lượng dẫn giải.

Ông Vũ Hải - Phó tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam - băn khoăn: “Luật Báo chí phải giúp nhà báo hoạt động đúng pháp luật và phải được bảo vệ. Vậy nhà báo khi tác nghiệp có được coi là người thi hành công vụ hay không?”.