Đề án nước mạnh về CNTT-TT: Ứng dụng CNTT để tránh trùng thẻ BHYT

Trong Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT, lĩnh vực Y tế và Giáo dục được coi là những mũi nhọn đột phá do số lượng người thụ hưởng trực tiếp từ các dự án ứng dụng CNTT rất lớn. Do vậy, ứng dụng CNTT đang được tính đến như giải pháp hữu hiệu để khắc phục hiện tượng trùng hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách mỗi năm.

img
 
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thẻ BHYT chính là một trong những hoạt động góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT
 
Trùng hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế
Tại Hội thảo “Chính quyền cấp xã và hoạt động lập danh sách quản lý đối tượng cấp thẻ BHYT” vừa diễn ra ở Hà Nội, TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng chia sẻ: “Quản lý BHYT trong những năm qua có hiện tượng rất bất thường, trong đó tình trạng trùng thẻ, chậm phát thẻ, sai thông tin trên thẻ... xảy ra ở tất cả các tỉnh thành, con số lên đến hàng triệu. Đó là vấn đề nan giải mà nhiều cơ quan chức năng liên quan đang cùng vào cuộc để giải quyết”. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, chỉ riêng trong năm 2012 đã có 1 triệu thẻ BHYT được cấp trùng, gây tốn kém lãng phí ngân sách khoảng 500 tỷ đồng. Chỉ riêng tại huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) đã có khoảng 2.000 thẻ BHYT bị cấp trùng trong năm 2013.
 
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cấp trùng thẻ BHYT là do việc cấp thẻ BHYT đang được giao cho nhiều cơ quan khác nhau: Phòng tư pháp phụ trách việc lập danh sách BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; Cán bộ chuyên trách hoạt động giảm nghèo phụ trách lập danh sách cho các hộ nghèo và cận nghèo; Phòng lao động – thương binh và xã hội chịu trách nhiệm lập danh sách bảo hiểm cho các đối tượng hưu trí, lao động mất sức, người có công, thương bệnh binh, hoạt động kháng chiến… Ông Nguyễn Tiến Sỹ, cán bộ UBND xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (Hà Nam) cho biết: “Năm 2013, trên địa bàn đã tổng hợp rà soát số liệu về thẻ BHYT, thấy những đối tượng hay bị cấp trùng thẻ nhất là đối tượng hộ nghèo, người có công, thân nhân của những người tham gia quân đội”.
 
Tăng hiệu quả quản lý bằng CNTT
Cũng theo TS. Trần Tuấn, một trong nguyên nhân chính làm giảm tính chính xác của thông tin BHYT là hệ thống thông tin văn - xã đang được tổ chức riêng rẽ theo từng ngành, thiếu sự kết hợp hệ thống, khiến chính quyền xã thụ động trong khâu thu thập số liệu và các ngành không thể kiểm soát được tính chính xác thông tin. Để khắc phục hiện trạng này, RTCCD đã nghiên cứu và đề xuất phương án quản lý mới, đó là sử dụng sổ cái trong quản lý lập danh sách đối tượng tại cấp xã, từ đó lãnh đạo và nhân viên chuyên trách xã sẽ triển khai và quản lý thông tin sổ cái trên máy tính bằng các phần mềm hỗ trợ. Trong sổ cái sẽ có thông tin cơ bản của từng hộ gia đình có thể đáp ứng nhu cầu quản lý của nhiều ngành khác nhau như quản lý hộ tịch, quản lý bảo hiểm, quản lý di biến động dân số… Nói cách khác, các ngành chức năng liên quan có thể phối hợp, chia sẻ thông tin cần thiết từ hệ thống thông tin tích hợp có được nhờ hệ thống sổ cái này.
 
Trách nhiệm của xã là đảm bảo tính chính xác và đầy đủ thông tin về BHYT được trích xuất, tạo lập danh sách đáp ứng các yêu cầu của hệ thống BHXH, dựa trên hệ thống sổ cái các thôn. “Trước mắt, việc nhập dữ liệu, thông tin thẻ BHYT được thực hiện với sự hỗ trợ của phần mềm Excel để phù hợp với năng lực của tuyến xã. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý sẽ tốt hơn rất nhiều nếu tích hợp được những phần mềm quản lý chuyên nghiệp”, một đại diện của nhóm nghiên cứu RTCCD khuyến nghị. Tuy nhiên, về lâu dài cả nước cần có 1 hệ thống thông tin dữ liệu duy nhất, thống nhất và tích hợp về số liệu thẻ BHYT, khi đó tình trạng trùng thẻ, chậm thẻ, sai thông tin trên thẻ BHYT mới được khắc phục.
 
Cần lưu ý, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý BHYT là một trong những điểm nhấn quan trọng trong tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Trong Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2015 sẽ cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng); phổ cập ứng dụng CNTT trong hệ thống giáo dục, y tế.
 
Nguồn: (theo ictnews.vn)