Sẽ có kế hoạch tổng thể đảm bảo an toàn thông tin quốc gia

Dự kiến trong năm 2015 Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin an toàn thông tin (ATTT) quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

img
 
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TT&TT mới đây, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng đã kiến nghị: “Bộ TT&TT thời gian tới cần quan tâm và đầu tư thích đáng hơn nữa cho việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin ở tầm quốc gia và địa phương, đặc biệt là công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Bởi lẽ đây là vấn đề sống còn để bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia”.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, một trong những đơn vị mới của Bộ TT&TT cho biết, nhằm đảm bảo công tác an toàn, an ninh thông tin không bị thực hiện rải rác kiểu “mạnh ai nấy làm”, được triển khai một cách thống nhất và đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, Cục An toàn thông tin đã trình lãnh đạo Bộ TT&TT, đưa vào dự kiến chương trình công tác năm 2015 nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Dự kiến văn bản này sẽ được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2015.
 
Cũng với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, thời gian vừa qua Cục An toàn thông tin đã chủ trì, phối hợp với chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai xây dựng dự án Luật An toàn thông tin. Dự án Luật này hiện đã được Chính phủ thông qua để trình sang Quốc hội. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin trong kỳ họp tháng 5/2015 và xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10/2015.
 
Bên cạnh đó, theo sự phân công của Bộ TT&TT, hiện Cục An toàn thông tin đã và đang chủ trì việc soạn thảo các văn bản quy phạm thuộc lĩnh vực an toàn thông tin. Cụ thể, theo kế hoạch, trong năm 2015, cùng với việc hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin cũng sẽ tham gia xây dựng và trình lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành 7 Thông tư, bao gồm: Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 14/7/2014 của Chính phủ về phân loại và xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin; Thông tư liên tịch giữa Bộ TT&TT và Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 (Đề án 99); Thông tư quy định về cơ chế giám sát và xử lý phần mềm độc hại và mạng máy tính ma (botnet); Thông tư quy định về cơ chế giám sát và xử lý phần mềm độc hại trên mạng Internet di động…
 
Trong đó, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin, Thông tư về phân loại và xác định cấp đội an toàn thông tin của hệ thống thông tin, dự kiến được Bộ TT&TT trong quý I/2015, sẽ là văn bản gốc để từ đó triển khai tất cả các văn bản liên quan về việc bảo vệ các hệ thống thông tin. Bởi lẽ, khi đã thực hiện phân loại được các cấp độ an toàn, sẽ có biện pháp và cách thức bảo vệ, đồng thời cũng tránh được việc đầu tư dàn trải, lãng phí”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
 
Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin, với vai trò là đơn vị được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ thường trực Ban Điều hành triển khai Đề án 99, Cục An toàn thông tin đã chủ trì triển khai một số nội dung công việc liên quan đến Đề án này như: ban hành quy chế hoạt động ,thành lập tổ giúp việc cho Ban điều hành triển khai Đề án 99; thành lập Hội đồng chuyên gia và tổ chức thẩm định, cho ý kiến về mặt chuyên môn đối với dự án đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về an toàn thông tin của 3/8 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin gồm: Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Học viện An ninh nhân dân.
 
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2013, đã có tổng cộng 1.500 lượt kỹ sư chuyên ngành an toàn thông tin tốt nghiệp. Trong kỳ tuyển sinh năm 2014, có 3 trong số 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin đã tuyển sinh mới được 820 chỉ tiêu đào tạo kỹ sư, cử nhân chính quy và 53 chỉ tiêu đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành an toàn thông tin.
 
Riêng với nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về an toàn thông tin theo Đề án 99, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay, trong năm 2015 Cục sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ TT&TT và Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 99. Sau khi Thông tư này được ban hành,  Cục An toàn thông tin mới có thể triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin.
 
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã khẳng định rõ quan điểm Việt Nam cần tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
 
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT và an toàn thông tin, Bộ TT&TT đã khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin. Tháng 7/2014, thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin được thành lập và đi vào hoạt động với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin. Bên cạnh đó, VNCERT sẽ được kiện toàn để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ điều phối, ứng cứu sự cố. Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia được nâng cấp thành tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ TT&TT để khai thác hạ tầng an toàn thông tin phục vụ hoạt động giao dịch điện tử.
 
Nguồn: (theo ictnews.vn)