Cơ quan Nhà nước phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết đấu thầu qua mạng, trong đó quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm số lượng gói thầu mà các cơ quan Nhà nước sẽ bắt buộc phải đấu thầu qua mạng.

img
 
Cụ thể, sau khi Thông tư chính thức có hiệu lực, dự kiến từ năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc tổ chức đấu thầu qua mạng tối thiểu 20% các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% các gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế quy mô nhỏ. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (3 cơ quan đã thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng) chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc tổ chức đấu thầu qua mạng tối thiểu 40% các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 20% các gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế quy mô nhỏ.
 
Đấu thầu qua mạng được áp dụng khi thực hiện đấu thầu trong nước đối với các gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh theo phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ và phương pháp giá thấp nhất. Dự thảo Thông tư liên tịch cũng đã nêu rõ quy trình mà các bên mời thầu, nhà thầu phải thực hiện khi đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gồm 4 bước. Bước 1, khai báo thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và gửi hồ sơ đăng ký trực tiếp hoặc theo đường công văn đến Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Bước 2, nhận mã phê duyệt chứng thư số và số tham chiếu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bước 3, nhận chứng thư số từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bước 4, đăng ký thông tin người sử dụng chứng thư số trên Hệ thống mạng đấu quốc gia.
 
Dự thảo Thông tư cũng chỉ rõ, nhà thầu phải sử dụng chứng thư số đăng nhập vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Chi phí tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm: chi phí đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nộp một lần khi đăng ký) và chi phí duy trì tên và dữ liệu của bên mời thầu, nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nộp vào Quý I hàng năm, không kể năm thực hiện đăng ký). Hiện, mức chi phí này được đề xuất là 550.000 đồng/lần đăng ký và phí duy trì là 550.000 đồng/năm. Được biết, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu bao gồm hệ thống máy chủ, các thiết bị điện toán (phần cứng) và các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin được cài đặt trên máy chủ (phần mềm) đặt tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn.
 
Trao đổi với Báo BĐVN sáng ngày 21/10/2014, ông Nguyễn Thy Hùng, Trưởng Phòng Đấu thầu qua mạng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hiện nay Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có 12.000 bên mời thầu đã đăng ký; 13.600 nhà thầu đã đăng ký; khoảng 16.000 kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã đăng tải; 107.000 thông báo mời thầu đã đăng tải; khoảng 1.600 gói thầu đấu thầu điện tử được đăng tải. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng cho các nhà thầu, minh bạch và tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho hoạt động đấu thầu.
 
Nguồn: (theo ictnews.vn)