Phú Yên: Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, mạng lưới cơ sở dạy nghề đều được phủ kín ở các huyện, thị xã. Hàng năm, các cơ sở đã đào tạo được một bộ phận lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật, để tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống gia đình và nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc dạy nghề từng bước nâng cao nguồn nhân lực cho tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

img

 Lao động nông thôn huyện Sơn Hòa học nghề may.

Đầu tư dạy nghề hiệu quả
 
Ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, từ nguồn kinh phí Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh đã hỗ trợ hơn 31 tỉ đồng để mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho 7 cơ sở. Các cơ quan đã in ấn trên 35.000 tờ rơi để tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, các trung tâm cũng đã tổ chức trên 40 phiên giao dịch việc làm và đưa đến 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhằm phổ biến chính sách đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động hiểu. Qua đó, họ xem xét và đăng ký học nghề, phục vụ cho công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
 
Ông Võ Văn Nhâm, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa, cho biết: Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, máy móc nên trung tâm cũng mạnh dạn tuyển sinh các nghề thiết thực, đáp ứng được nhu cầu xã hội và người học nghề. Riêng học viên lớp đào tạo sơ cấp nghề may công nghiệp được Xí nghiệp may An Phát thuộc Công ty cổ phần An Hưng đóng tại xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) nhận vào làm việc. Số lao động này bước đầu được đơn vị trả lương theo sản phẩm, với mức thu nhập từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/ tháng, sau một năm, tay nghề ổn định, sản phẩm làm ra đạt chất lượng và hiệu quả thì mức thu nhập sẽ tăng lên 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.
 
Năm đầu tiên tổ chức thực hiện đề án, tỉnh đã lựa chọn mô hình dạy nghề sản xuất chậu cây cảnh của Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Xuân. Với mô hình sản xuất nấm ăn, Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa thí điểm đào tạo 3 lớp cho gần 100 lao động nông thôn. Những năm tiếp theo, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức một số mô hình đào tạo nghề hiệu quả tại chỗ như: Trồng lúa nước chất lượng cao, kỹ thuật xây dựng tại xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa); mây tre đan (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân và xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa); sản xuất hàng da giày, túi xách (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa); may công nghiệp (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa)... Các mô hình đào tạo nghề nêu trên đã thu hút được hơn 5.000 học viên tham gia; trong đó lao động hộ nghèo là hơn 200 học viên. Tỉ lệ có việc làm sau khi kết thúc khóa học đạt trên 70%, thu nhập bình quân từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, các mô hình này đều có khả năng phát triển và nhân rộng.
 
Kết quả khả quan
 
Trong giai đoạn 2011-2014 và 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 15.581 lao động nông thôn. Họ là những người thuộc hộ nghèo, tàn tật, lao động là người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng… không có việc làm, không có đất sản xuất. Qua học nghề, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm và ổn định đời sống đến nay.
 
Chị Trịnh Thị Sen, 42 tuổi ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) sau thời gian học sản xuất chậu trồng cây cảnh do Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân mở, đến nay có thể tự làm tại nhà và bán lại cho các cơ sở kinh doanh. Chị Sen nói: “Tôi làm nông nhưng đất ở đây khô cằn, năng suất lúa thấp. May có lớp nghề này nên chị em trong thôn được học. Lúc nông nhàn, chúng tôi tranh thủ làm chậu, kiếm thêm thu nhập”. Chị Võ Thị Thanh Liêm, 25 tuổi, ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) học nghề may từ năm 2011, đến nay chị đã mở một cơ sở may gia công tại nhà với thu nhập 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: “Trước kia, tôi chỉ làm thuê. Khi huyện có chính sách hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, tôi đăng ký học may. Sau ba tháng, tôi biết may cơ bản, rồi tham gia vào may dây chuyền ở địa phương. Nay tôi về nhà mở cơ sở may gia công”.
 
Hiệu quả là vậy, tuy nhiên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Lao động ở các vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận thông tin việc làm; nhiều lao động khó khăn về kinh tế, ở cách xa cơ sở dạy nghề, vì vậy tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp. Đặc biệt, chỉ tiêu đề ra cho công tác này quá cao nên khó đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, một số cơ sở dạy nghề chưa sử dụng hết các thiết bị dạy nghề đã trang bị vì không tuyển sinh được ngành nghề đào tạo của thiết bị đó.
 
Ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của đề án bằng nhiều hình thức đến người lao động; có chiến lược khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề để đào tạo mỗi năm đạt hiệu quả hơn. Tỉnh cũng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của người lao động. Người học nghề xong phải có việc làm từ 80% trở lên.
Nguồn: Theo Kim Chi - Báo Phú Yên điện tử