Bất cập đào tạo nghề lao động nông thôn - Bài 1: Hiệu quả ban đầu

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010-2020 là đề án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cũng là đề án có kinh phí đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực dạy nghề ở Việt Nam. Riêng tại Đà Nẵng, trung bình mỗi năm, thành phố bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng cho chương trình này. Sau khi học nghề, nhiều người đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập đủ sống.

img

 Nghề pha chế đã giúp nhiều lao động ở Đà Nẵng tìm được việc. Trong ảnh: Một lớp học nghề dành cho lao động nông thôn tại Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng.

Học nghề, có việc làm

Ba mất sớm, một mình mẹ buôn bán lặt vặt ở chợ nuôi 5 chị em ăn học nên cuộc sống của gia đình chị Lê Trần Bích Nga (35 tuổi, ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) rất chật vật.
 
“Vì hoàn cảnh khó khăn nên mình phải nghỉ học nửa chừng, phụ mẹ buôn bán, nuôi các em, chứ hồi đó không nghĩ đến tương lai cho mình”, chị Nga thổ lộ. Rồi chị được giới thiệu học nghề nấu ăn miễn phí trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 3 tháng tại Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố. Có chứng chỉ nghề trong tay, Nga dễ dàng xin được vào làm tại một nhà hàng lớn trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng.
 
Còn với anh Nguyễn Chí Đỗ (27 tuổi, ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), việc được học nghề pha chế miễn phí trong 3 tháng tại Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố là cơ hội để thay đổi cuộc đời. “Nhà nghèo, điều kiện học hành ít, nghề nghiệp không có nên ai thuê gì thì làm. Cuộc sống bấp bênh lắm. May được đi học nghề pha chế và được cấp chứng chỉ nên mới dễ xin việc”, Đỗ cho biết. Bây giờ, Đỗ là người phụ trách việc pha chế tại cà-phê Ledio (quận Sơn Trà) với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng.
 
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, trong 5 năm 2010-2014, thành phố đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 900 lượt lao động được hưởng chính sách ưu đãi miễn học phí, như người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, người khuyết tật, hộ cận nghèo. 24 nghề được đào tạo chủ yếu là gắn với quá trình phát triển ngành du lịch của thành phố như: nấu ăn, buồng-bàn-bar, lễ tân, điện công nghiệp, may công nghiệp, trồng hoa cây cảnh, trồng nấm ăn.
 
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, sau khi được đào tạo nghề, tính chung lao động tại khu vực nông thôn và tìm việc ở đô thị, tỷ lệ có việc làm đạt hơn 94%. Trong đó, số người được các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức… tuyển dụng chiếm 24%, ngoài ra có hơn 70% tự tạo việc làm.
 
Nhiều cách làm hay
 
Khảo sát của các địa phương cho thấy, trong 5 năm từ 2010-2014, số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề tại Đà Nẵng khoảng hơn 8.000 người, trong đó nghề nông nghiệp chiếm hơn 6.000 người, còn lại là nghề phi nông nghiệp. Một trong những nghề đạt hiệu quả cao và ổn định nhất là trồng nấm.
 
Hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang đã hình thành một loạt các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất nấm ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Châu và Hòa Bắc. Sau khi được học nghề, có khoảng 250 người tham gia HTX, tổ hợp tác trong nghề nấm, thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Riêng đối với xã Hòa Bắc, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng khu nhà trồng nấm tập trung, lò hấp và phôi liệu làm nấm, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tham gia, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Ngoài ra, người lao động còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tận dụng nguyên liệu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác cây công nghiệp để trồng nấm và tự tạo việc làm cho mình.
 
Riêng người dân ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) sau khi học nghề mây tre đan do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã phối hợp với Liên minh HTX tổ chức đã hình thành được 2 tổ hợp tác. Ngoài thời gian làm rẫy, trồng keo, tận dụng thời gian nhàn rỗi, các hộ gia đình gia công mặt hàng mây tre đan cho HTX An Khê để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài; thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 50.000 đồng/người/ngày.
 
Mô hình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng mang lại nhiều kết quả. Gần 600 ngư dân sau khi học nghề do Sở NN&PTNT phối hợp với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức đã tham gia hoạt động khai thác hải sản, nhất là khai thác vùng biển xa bờ. Hiện thu nhập bình quân của lao động đối với tàu 90CV trở lên từ 3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, đối với tàu công suất dưới 90CV là 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng...
 
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể trên địa bàn.
 
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, số lượng đào tạo nghề, chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ tự tạo việc làm, giải quyết việc làm tăng cao, sự lan tỏa của chương trình đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho lao động đặc thù khác học nghề và giải quyết việc làm như lao động thuộc hộ nghèo, di dời giải tỏa, mất đất sản xuất, người khuyết tật, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ...
 
“Dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nói.
Nguồn: Theo P.TRÀ - T.THANH - Báo Đà Nẵng