Bắc Giang nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Hiện nay, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, sức hút của các cơ sở đào tạo nghề còn thấp. Điều đó đòi hỏi sự đổi mới cấp thiết của công tác đào tạo nghề, trước hết là tư duy về dạy nghề cho lao động.

img

 Nhu cầu lao động ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Mở rộng quy mô

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề của tỉnh Bắc Giang luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tính đến tháng 5/2015, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 94 cơ sở dạy nghề, tăng 18 cơ sở so với năm 2011, trong đó có 03 trường Cao đẳng nghề, 06 trường Trung cấp nghề, 25 trung tâm dạy nghề và 60 cơ sở có chức năng dạy nghề. Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã quan tâm tới công tác nâng cao chất lượng đào tạo; ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở dạy nghề đã chú ý đến việc giáo dục vệ sinh, an toàn lao động, ý thức tác phong công nghiệp. Một số cơ sở dạy nghề đã trang bị cho người học nghề kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về quản lý doanh nghiệp, maketing... Vì vậy, dạy nghề đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khá; các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo là 13.348 lao động, chiếm 34,18% tổng số lao động và tăng so với năm 2014 là 240 lao động; xuất khẩu lao động là 1.841 lao động, đạt 48,45% kế hoạch năm.
Đối với lao động nghề nông thôn, công tác đào tạo nghề đã có bước chuyển mới, vừa quan tâm đến nhu cầu của người lao động vừa chú trọng đến nhu cầu của xã hội. Đến nay, hơn 70% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, một số lao động nghề Cơ khí đạt mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
 
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
 
Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực
 
Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo, nguồn nhân lực cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Những năm qua, lực lượng lao động trong tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng. Ý thức, tác phong công nghiệp của người lao động đã dần được cải thiện; mạng lưới dạy nghề ngày càng được mở rộng, song công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tuyển sinh đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 31,7% kế hoạch năm. Trong khi đó tình trạng lao động tự do vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều đó cho thấy các cơ sở đào tạo nghề chưa tạo được sức hút đối với lao động tại vùng nông thôn, miền núi. Một số cơ sở dạy nghề thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; trong đó đặc biệt là giáo viên thực hành. Một số cán bộ quản lý kém về năng lực, thiếu tâm huyết trong công tác...
 
Theo Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội, để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trước hết cần đổi mới tư duy về dạy nghề; tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về lĩnh vực dạy nghề như chính sách dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ, người tàn tật...; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội để tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của doanh nghiệp, đồng thời kết hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản tại cơ sở đào tạo với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại cơ sở sản xuất.
 
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa đào tạo nghề; mở rộng quan hệ quốc tế đa phương và song phương, nối mạng với một số nước khu vực để cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Hướng đi mới trong đào tạo
 
Hiện nay, các trường dạy nghề xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bắc Giang có 5 trường dạy nghề có nghề trọng điểm được đầu tư tập trung theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong đó, trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là 1 trong 40 trường trong cả nước được đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020.
 
Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ giảng viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, chương trình theo chuẩn tiên tiến… là những yếu tố để Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang tạo hướng đi mới trong đào tạo nghề.
 
Với tổng vốn đầu tư khoảng 13 triệu USD, phương tiện thiết bị nhà trường đáp ứng nhu cầu đào tạo 5 nhóm nghề: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ khí cắt gọt và công nghệ thông tin. Nhà xưởng thực hành và các công trình phụ trợ cơ bản hoàn thành. Đội ngũ giảng viên dạy nghề được sàng lọc qua thi tuyển. Ban Giám hiệu nhà trường xác định việc nâng cao chất lượng giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Thời gian qua, nhà trường đã nắm bắt thực tế sản xuất của doanh nghiệp; phối hợp với các chuyên gia Hàn Quốc xây dựng chương trình đào tạo. 
 
Ông Nguyễn Công Thông - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đào tạo người thợ không chỉ có kỹ năng, kiến thức mà còn phải có thái độ nghề nghiệp đúng đắn được dựa trên 4 nền tảng:
 
Thứ nhất, Chương trình đào tạo hiện đại với cơ cấu 70% thực hành và 30% lý thuyết được cập nhật thường xuyên từ các chương trình đào tạo của Hàn Quốc và chương trình đào tạo nghề trọng điểm của Việt Nam.
 
Thứ hai, đội ngũ giảng viên đa số là người trẻ, được đào tạo cơ bản và thường xuyên được tập huấn để nâng cao nghiệp vụ sư phạm và văn hóa nghề.
 
Thứ ba, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư hiện đại, đồng bộ, người học có điều kiện thực hành ngay tại xưởng nhà trường.
 
Thứ tư, hệ thống quản trị theo mô hình gọn nhẹ, lấy hiệu quả, hiệu suất làm nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngay trong nhà trường.
 
Mục tiêu đến năm 2020, 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có tay nghề đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, ít nhất 30% đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đồng thời hơn 90% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng.
 
Đó là tín hiệu vui đối với người học nghề./.
Nguồn: Nguồn: bacgiang.gov.vn