Đẩy nhanh cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản

Mức tăng trưởng về cơ giới hóa chưa tương xứng với yêu cầu của sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc giảm tổn thất sau thu hoạch mới chủ yếu tập trung vào cây lúa, song chưa đồng bộ, các cây trồng khác và chăn nuôi, thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.

img

Đây là ý kiến của ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị sơ kết thực hiện quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tổ chức ngày 28/7.

Quyết định 68 Thủ tướng Chính phủ thay thế các Quyết định 63 và 65 trước đây để thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính  sách giảm tổn thất sau thu hoạch với nông sản, thủy sản.
 
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, nhờ có chính sách hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị.
 
Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị. Điển hình như cơ sở Phan Tấn (Đồng Tháp), Tư Sang 2 (Tiền Giang), Hoàng Thắng (Cần Thơ) đã đầu tư cơ sở chế tạo máy gặt đập liên hợp.
 
Theo ông An Văn Khanh, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai Quyết định 68, nhưng kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ thấp, hoặc người dân chưa tiếp cận được chính sách. Điều này thể hiện trong  số lượng khách hàng và doanh số cho vay chưa cao.
 
Cụ thể, qua báo cáo của 39 tỉnh, thành thì chỉ có 19 tỉnh, thành có dư nợ cho vay. Đặc biệt, lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, hiện là 8,55%/năm, không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại, nên chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh số cho vay toàn bộ chương trình.
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến 30/6/2015, doanh số cho vay triển khai chương trình là 3.468 tỉ đồng, dư nợ 2.438 tỉ đồng, tăng 32% so với 31/12/2014.
 
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, số lượt khách hàng và doanh số cho vay còn thấp. Việc quy định danh sách chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp hiện nay còn hạn chế.
 
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, phải sửa đổi ngay Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT, bổ sung các loại máy móc cả trong lâm nghiệp, thủy sản, rau quả… để doanh nghiệp, người dân được hưởng chính sách.
Nguồn: Nguồn: chinhphu.vn