TP. Bến Tre: Thực trạng việc làm hiện nay

Những năm qua, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động ở thành phố Bến Tre đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Cơ chế, chính sách về lao động, việc làm được chú trọng, phù hợp với cơ chế thị trường. Đã thực hiện và áp dụng hiệu quả nhiều văn bản quản lý nhà nước về lao động, việc làm ngày càng hoàn thiện và đi vào thực tiễn đời sống như Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,… và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý về giải quyết việc làm cho người lao động.

img

 Giải quyết việc làm từ nguồn vốn Quỹ quốc gia việc làm (mô hình làm đũa). (Ảnh: Mai Văn Phú)

Trên cơ sở đó, thành phố đã ban hành nhiều chính sách và văn bản triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu như: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; chương trình, dự án trọng điểm kinh tế - xã hội được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của người lao động. Hằng năm, thành phố đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, trong đó số lao động qua đào tạo trên 2.000 người.

Thực hiện chương trình về việc làm, thành phố đã sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ có sự lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các dự án về tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động. Trung bình hằng năm các dự án này đã tạo ra việc làm cho trên 300 người lao động trực tiếp, chủ yếu là lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
 
Số lượng và tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế năm 2014 là 63.952 người, tỷ lệ 80,89% tổng số lao động trong độ tuổi, trên 99% tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên, lao động thuộc khu vực 1 là 8.285 người, tỷ lệ 12,96%; lao động thuộc khu vực 2 là 19.653 người, tỷ lệ 30,73%; lao động thuộc khu vực 3 là 36.014 người, tỷ lệ 56,31%.
 
Tính đến năm 2014, thành phố có 79.058 người trong độ tuổi lao động (trong đó 35.113 người thuộc khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 44,41%). Hằng năm, có gần 2.000 thiếu niên bước vào độ tuổi thanh niên bổ sung cho lực lượng lao động trẻ. Năm 2014, số lao động trong độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi là 6.658 người.
 
Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động tham gia hoạt động kinh tế ngày càng tăng. Cụ thể, đến năm 2014 lực lượng lao động trong độ tuổi qua đào tạo là 47.395, chiếm tỷ lệ 59,95%, lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp, bằng nghề dài hạn là 9.361, chiếm tỷ lệ 11,84%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 4.532, chiếm tỷ lệ 5,73%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học là 10.318 chiếm tỷ lệ 13,05%.
 
Theo số liệu năm 2014, thành phố Bến Tre có 506 lao động thất nghiệp, tỷ lệ 0,64% so với tổng số lao động, 0,79% so với tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên. Số lao động thất nghiệp chủ yếu tập trung ở những sinh viên mới tốt nghiệp nên chưa tham gia hoạt động kinh tế được.
 
Công tác giới thiệu, giải quyết việc làm của thành phố Bến Tre trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, trong đó nổi bật một số nội dung như: Từ năm 2011 đến cuối năm 2014 đã giới thiệu, giải quyết việc làm 13.870 lao động, chiếm tỷ lệ 110,08%, trong đó lao động qua đào tạo là 7.527, tỷ lệ 110,76% so với chỉ tiêu được giao; đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ: từ năm 2011 đến cuối năm 2014 đã đào tạo cho 521 lao động với 18 lớp. Công tác xuất khẩu lao động từ năm 2011 đến cuối năm 2014 có 236 lao động đăng ký, công tác cho vay quỹ quốc gia việc làm có 875 dự án với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng.
 
Để thực hiện hiệu quả và đạt được kết quả như hiện nay, thành phố Bến Tre đã có một số giải pháp thực hiện như:
Cùng các doanh nghiệp quan tâm đào tạo công nhân có trình độ cao, trình độ lành nghề, trình độ văn hóa đối với lao động trẻ. Gắn việc đào tạo với Quyết định 1956 của Thủ tướng về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, vì đây là cơ hội để đẩy mạnh việc đào tạo nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Việc phối hợp với doanh nghiệp trong thực hiện Đề án này sẽ đạt hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho lao động khi tham gia.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách về xuất khẩu lao động để tạo điều kiện cho người lao động trẻ tham gia xuất khẩu lao động. Đây là một trong những thế mạnh về giải quyết việc làm cho lao động trẻ muốn có thu nhập cao, vận động người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời góp phần đem nguồn thu ngoại tệ về thành phố Bến Tre.
 
Hàng năm, giới thiệu giải quyết việc làm cho 3.200 lao động, trong đó lao động qua đào tạo từ 60%. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải phát triển đa dạng các ngành, nghề để tạo nhiều việc làm và thu nhập; khuyến khích tạo thuận lợi để người lao động học tập nâng cao trình độ lao động, tay nghề; đồng thời có cơ chế chính sách phát triển, trọng dụng nhân tài.
 
Sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm cho thành phố, thu hút nhiều mô hình, tạo nguồn lao động để góp phần giải quyết việc làm, nhất là số lao động sau đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng ta là: “Thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa”.
 
Thực hiện đúng pháp luật về lao động, tiền lương tối thiểu, bảo hiểm lao động, xuất khẩu lao động, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; bảo đảm về chỗ ở và những điều kiện môi trường lao động, an sinh khác theo đúng luật pháp.
 
Tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nhanh chóng tạo ra việc làm và khả năng thu hút lao động vào sản suất. Đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế dịch vụ, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống để tận dụng lao động dư thừa và lao động có ngành nghề truyền thống.
 
Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trên địa bàn thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nguồn: Nguồn: bentre.gov.vn