Triển khai Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020

Sáng 23/6/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi chủ trì Hội nghị.

img

Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng TCDN trình bày nội dung triển khai thực hiện Quyết định 761/QĐ-TTg.

Tham dự còn có ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng TCDN, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành là cơ quan chủ quản của các trường và các tổ chức quốc tế, đơn vị có liên quan.

Mục tiêu của Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao nhằm phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, mục tiêu cụ thể được chia thành hai giai đoạn: 1. Giai đoạn 2014 – 2016, từng bước thí điểm đào tạo 34 nghề theo các chương trình đào tạo nghề được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô tối thiểu 25 học sinh, sinh viên mỗi nghề một năm. 2. Giai đoạn 2017 – 2020, từng bước mở rộng đào tạo các nghề đã thí điểm đào tạo có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ bởi các tổ chức giáo dục đào tạo có uy tín của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế. Phấn đấu đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; đến năm 2019 có thêm khoảng 15 trường và đến năm 2020 có khoảng 40 trường chất lượng cao.

Tiêu chí của trường nghề chất lượng cao theo Đề án đưa ra gồm 6 tiêu chí: quy mô đào tạo; việc làm sau đào tạo; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo; kiểm định chất lượng; chất lượng giáo viên, giảng viên; quản trị nhà trường. Trong các tiêu chí được đặt ra có tiêu chí tạo việc làm đúng nghề sau đào tạo phải đạt ít nhất 80%, riêng các nghề trọng điểm phải đạt 90%.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho biết, trong những năm qua, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở nước ta đã có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp; năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đạt yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành còn thiếu, lạc hậu; hệ thống chương trình, giáo trình chậm đổi mới, cập nhật. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia nhập WTO, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa – Xã hội cần nhân lực có tay nghề cao để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Tại Hội nghị, Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng TCDN trình bày về các nội dung chính trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 761/QĐ-TTg bao gồm 6 nội dung cơ bản như sau: quan điểm phát triển, mục tiêu và lộ trình, tiêu chí, nhiệm vụ/giải pháp, cơ chế tài chính và tổ chức thực hiện của Đề án. Trong đó, giai đoạn 2014 – 2016 thí điểm 34 nghề theo chương trình chuyển giao, và giai đoạn 2017 – 2020 phấn đấu có 40 trường được đánh giá, công nhận trường chất lượng cao, từng bước mở rộng đào tạo các nghề đã thí điểm có học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp, được công nhận văn bằng chứng chỉ. 

Tiếp theo, đại diện Lãnh đạo các Vụ Dạy nghề chính quy, Vụ Giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, Văn phòng Tổng cục Dạy nghề đã có những báo cáo chuyên đề về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 761/QĐ-TTg bao gồm: Phát triển về quy mô, trình độ học sinh sau đào tạo, chương trình, giáo trình dạy nghề; Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề; Kế hoạch kiểm định chất lượng dạy nghề; Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho các trường nghề chất lượng cao, v.v...

Sau phần trình bày báo cáo tham luận, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về những vấn đề xoay quanh các nghề thí điểm theo chương trình chuyển giao; số hóa, mô phỏng hóa hoạt động quản lý và chương trình đào tạo; kiểm định, đánh giá trường chất lượng cao; giải pháp về công tác tài chính, đào tạo cán bộ, quản lý của từng đơn vị, v.v... Từ đó, hoàn thiện những tiêu chí của Đề án, đồng thời phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các cơ quan hữu quan thực hiện tốt công tác triển khai Đề án nhằm đảm bảo đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra.

Hiện tại, Quyết định 761 có kèm theo danh sách 45 trường nghề được ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao.

Nguồn: Nguồn:molisa.gov.vn