Đào tạo nghề phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Ngày 2/6/2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 1834/LĐTBXH-TCDN về việc chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Theo đó chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

img

Phó Tổng Cục trưởng Mai Thúy Nga (ngoài cùng từ trái sang) thăm vườn ươm cây Keo tai tượng của bà con ở Hữu Lũng - Lạng Sơn.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, năm 2013 cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho 530.124 lao động nông thôn, tăng 121.602 người so với năm 2012, nâng tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề trong 4 năm (2010 - 2013) lên trên 1,6 triệu người. Số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn đạt 79,7%, cao hơn 3 năm đầu (2010 - 2012) là 0,8%. Trong đó, trên 627.000 người làm nghề phi nông nghiệp, được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm, chiếm 56,3%; trên 62.000 người đã thoát nghèo, bằng 35,2% số người nghèo học nghề; gần 50.000 người có thu nhập trung bình nay trở thành hộ có thu nhập khá, chiếm 4,2%. Số có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp là 522.000 người, chiếm 43,7%; Công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn được tăng cường.
 
Tuy vậy, kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được mục tiêu của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
 
Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp.
 
Chương trình dạy nghề dưới 3 tháng phải cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng, năng lực thực hiện nghề, làm nghề sau khi học. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện, tổ chức dạy nghề kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề học và có điều kiện làm nghề sau khi học.
 
Đặc biệt, văn bản cũng nhấn mạnh: Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề. Tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng trang thiết bị dạy nghề đã được đầu tư tại các trung tâm dạy nghề để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả. Đối với các địa phương đã thí điểm sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cần tổ chức đánh giá cụ thể về tổ chức hoạt động, việc triển khai thực hiện từng mảng nhiệm vụ: Dạy nghề - Giới thiệu việc làm - Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp và vai trò của cấp huyện, cấp sở trong quản lý trực tiếp và quản lý nhà nước đối với đơn vị đã sáp nhập.
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ kiểm tra, giám sát tại một số địa phương. Đồng thời, tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án năm 2013 và đánh giá sơ bộ tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2015.

Nguồn: Nguồn: tcdn.gov.vn