Bắc Giang: Mùa ong lấy mật vải thiều

Khi hoa vải thiều nở trắng đẹp như tranh trên các sườn đồi của vùng quê Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng là lúc hằng trăm chủ nuôi ong ở khắp các tỉnh thành trong cả nước tập trung đàn ong ngoại về đây để “đánh” mật vải thiều – mùa khai thác mật ong lớn nhất trong năm.

img

Ông Nguyễn Duy Chương, chủ trại ong đặt tại Quý Sơn đang kiểm tra lại các cầu ong.

Lục Ngạn là vùng cây ăn quả lớn của miền Bắc với 22 nghìn ha cây ăn quả các loại, trong đó có 18 nghìn ha vải thiều. Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện ra hoa và đến thời điểm này, hoa vải thiều đã bắt đầu nở trắng các bản làng. Vẻ đẹp của Lục Ngạn mùa hoa nở cùng hương thơm và vị ngọt của mật hoa vải thiều đã thu hút hàng trăm chủ nuôi ong ở khắp các tỉnh thành trong cả nước tập trung đàn ong ngoại về đây “đánh” mùa mật lớn.

Ông Nguyễn Duy Chương (quê Ninh Bình) – chủ nuôi ong ngoại có hơn 10 năm kinh nghiệm đã vận chuyển trại ong 500 đàn từ Đắc Lắc về thôn Bắc Một, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) khai thác mật hoa vải thiều. Khi chúng tôi đến thăm, ông Chương cũng vừa nhờ xong vị trí đặt đàn ong trong vườn vải thiều rộng gần 2 ha của gia đình ông Ngô Văn Nhật – người địa phương. Công việc của chủ trại ong lúc này là tháo nêm các cầu trong tổ ong, kiểm tra lại ong chúa, vệ sinh tổ ong, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để bước vào vụ khai thác mật mới. Hướng dẫn chúng tôi vào thăm vị trí đặt đàn ong, ông Chương cho biết: Muốn ong không đốt thì các anh cứ đi bình thường. Việc của ong, ong làm; việc của mình, mình làm, không động chạm gì đến nhau…

Để di chuyển được đàn ong cách xa hơn 1.000 km từ Đắc Lắc về đây, ông Chương đã tiêu tốn mất khoảng 70 triệu đồng tiền thuê xe ô tô tải và công bốc vác. Tuy nhiên, theo các chủ nuôi ong thì vụ khai thác mật hoa vải thiều là vụ khai thác mật lớn nhất trong năm. Do diện tích vải thiều ở Lục Ngạn lớn và trồng tập trung, hoa vải lại nhiều mật nên nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ với khoảng 20 ngày khai thác mật hoa ở Lục Ngạn, sản lượng mật đã bằng cả năm khai thác mật cao su, cà phê, keo… ở trong Nam.

Cách trại ong của ông Chương khoảng 500 m, tại vườn vải thiều nhà ông Lăng Văn Cun (thôn Bắc Một) cũng có chủ nuôi ngoại nhờ địa điểm đặt 300 đàn ong để khai thác mật hoa vải thiều. Đó là trại ong của anh Đào Văn Chung (quê Phú Thọ). Là dân mới bước vào nghề nuôi ong mật, chưa có nhiều kinh nghiệm, cách đây hơn chục ngày, anh Chung đã vận chuyển trại ong từ Đắc Lắc ra Lục Ngạn nên đàn ong bị bén vào đợt rét cuối vụ và mưa phùn, số lượng ong chết mất khoảng 10%. Chỉ mong thời tiết ở Lục Ngạn sẽ nắng lên để mùa khai thác mật có nhiều thuận lợi – anh Chung nói.

Theo UBND xã Quý Sơn, hiện trên địa bàn xã có 150 trại ong chủ yếu là của người nuôi ong trong Nam về địa bàn xã nhờ vị trí đặt đàn ong, mỗi trại ong có từ 300 – 600 đàn ong Ý. Khi vận chuyển đàn ong về đây, chủ trại ong đều trực tiếp liên hệ với các hộ dân có vườn vải thiều đẹp, thuận đường giao thông và có điều kiện dễ quản lý đàn ong.

Cùng với Quý Sơn, Thanh Hải cũng là xã có diện tích cây ăn quả lớn vào bậc nhất của huyện Lục Ngạn. Với gần 800 ha vải thiều đang độ nở hoa, xã cũng thu hút 26 trại ong (mỗi trại có từ 500 – 900 đàn ong Ý) của chủ nuôi ong ở trong và ngoài tỉnh Bắc Giang về khai thác mật. Trại ong có 800 đàn đang đặt tại thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải của hai chủ là ông Nguyễn Huy Chung (quê Hòa Bình) và ông Nguyễn Văn Điệp (quê Hải Dương) là một điển hình. Do nắm bắt tình hình hoa vải thiều sẽ nở và vận chuyển đàn ong ra Lục Ngạn kịp thời nên khi chúng tôi đến thăm, trại ong của ông Chung đã được khai thác (quay) đợt mật đầu tiên. Để khai thác hết mật của số đàn ong này, ông Chung đã phải thuê đến 7 nhân lực ở địa phương làm các công việc như: rỡ cầu ong, vận chuyển cầu về máy quay mật, cắt gọt bớt sáp ong thừa và quay lấy mật… . Trao đổi với chúng tôi, ông Chung cho biết: Khi bỏ cả trăm triệu đồng để vận chuyển đàn ong về Lục Ngạn, hơn ai hết chúng tôi là người muốn khai thác được nhiều mật ong nhất nên việc phân bố vị trí đàn ong sẽ phải tính toán khoa học, hợp lý giữa các chủ trại ong với nhau, làm sao bảo đảm khoảng cách các trại ong để khai thác mật hoa vải thiều hiệu quả nhất. Năm nay do thời tiết khó khăn, trời thường âm u, có mưa nên mật hoa vải ít và loảng, vì thế sản lượng mật thu hoạch sẽ kém hơn năm trước. Đợt khai thác đầu tiên này, cả trại ong của chúng tôi ước chỉ thu về khoảng 2 tấn mật.

Ở gần đó, trại ong có 900 đàn của chủ nuôi ong anh Phạm Minh Dương (quê Bình Dương) cũng đang chuẩn bị bước vào đợt khai thác mật đầu tiên. Anh Dương cho biết, đây là năm thứ 2 tôi đưa đàn ong về Lục Ngạn “đánh” mật hoa vải thiều. Về đây, chính quyền và người dân địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người làm ăn lao động như chúng tôi trong hoạt động khai thác mật hoa vải thiều. Tuy nhiên sản lượng mật hoa vải thiều khai thác được nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố. Thứ nhất thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc thì ong sẽ lấy mật nhanh (thường chỉ từ 2 – 3 ngày được quay mật một lần); thứ hai là đàn ong phải khỏe, trong tổ phải bảo đảm có từ 8 – 10 cầu mật thì khai thác mật mới nhanh. Nếu như hoa vải có nhiều mật mà đàn ong yếu thì việc khai thác cũng kém. Trong điều kiện thời tiết đẹp thì người nuôi ong chúng tôi có thể quay được 6 lần mật hoa vải thiều/vụ. Còn không chỉ cần quay được 4 -5 lần cũng là thắng lắm rồi. Tuy nhiên với thời tiết cứ sập sùi thế này thì không ai dám nói trước điều gì.

Ông Vũ Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết, mọi chủ nuôi ong về xã khai thác mật hoa vải thiều đều được chính quyền và người dân địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vị trí đặt đàn ong. UBND xã cũng đã giao trách nhiêm cho lượng lượng công an làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý và làm thủ tục tạm trú cho chủ nuôi ong, đồng thời làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời xử lý những tình huống có thể xảy ra.

Đánh giá về mùa khai thác mật hoa vải thiều năm nay, ông Leo Văn Phúc, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT Lục Ngạn cho biết thêm. Ước tính năm nay, huyện Lục Ngạn có từ 70 – 80 nghìn đàn ong ngoại của các chủ nuôi ong ở khắp các tỉnh thành về địa phương khai thác mật hoa vải, trong đó có hơn 10 ngìn đàn ong của người dân địa phương. Mặc dù năm nay vải thiều ra nhiều hoa, nhưng thời tiết không thuận lợi (độ ẩm trong không khí cao, trời thường xuyên có mưa), vì thế hoa vải thiều có ít mật hoặc mật loãng nên sản lượng khai thác sẽ kém hơn nhiều so với những năm trước.

Nguồn: Nguồn: nongnghiepvn.gov.vn