Thủy sản Việt Nam có mặt tại 156 thị trường thế giới

Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra; đứng thứ 3 về sản lượng tôm; sản phẩm thủy sản Việt Nam tính đến tháng 9/2013 đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16 thị trường so với năm 2010.

img

Sáng 30/3, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết ngày 16/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với 26 nhiệm vụ cụ thể. Qua 3 năm thực hiện, ngành Thủy sản đã hoàn thành 18 nhiệm vụ; 6 nhiệm vụ đang trong quá trình xem xét phê duyệt; 2 nhiệm vụ đang tiếp tục xây dựng (trong đó có việc xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi, thời hạn trình 2015).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn về thị trường và vốn nhưng ngành Thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khá cao trong 3 năm qua.

Theo thống kê hằng năm và sơ bộ thực hiện năm 2013, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) thời kỳ 2011-2013 của ngành Thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 4,85%/năm, trong đó giá trị sản xuất khai thác đạt 5,94%/năm và nuôi trồng đạt 4,16%/năm. Lĩnh vực thủy sản đã từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng sản lượng khai thác, tăng sản lượng và giá trị thủy sản nuôi, đang đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Thủy sản đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra; đứng thứ 3 về sản lượng tôm; sản phẩm thủy sản Việt Nam tính đến tháng 9/2013 đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16 thị trường so với năm 2010 (với thị trường chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc).

Theo ông Nguyễn Huy Điền, quan điểm, định hướng của Chiến lược tiếp tục được khẳng định thông qua thực tiễn sản xuất, sản phẩm thủy sản tiếp tục được duy trì uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế…Tuy nhiên, kết quả phát triển thủy sản vẫn chưa thể hiện tính bền vững; tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp; hiệu quả sản xuất khai thác chưa cao, tàu các công suất nhỏ còn lớn; lao động nghèo trong ngành Thủy sản còn nhiều, chưa tạo được chuỗi liên kết và thương hiệu sản phẩm quốc gia.

Thời gian tới, ngành Thủy sản tiếp tục triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, trong đó có Luật Thủy sản (sửa đổi); hoàn chỉnh trình, ban hành bộ chỉ số theo dõi, giám sát Chiến lược để các địa phương, đơn vị triển khai, thu thập báo cáo hằng năm. Đồng thời, bổ sung các nhiệm vụ mới theo chức năng, nhiệm vụ được giao và để bảo đảm Chiến lược hoàn thành các mục tiêu, đồng thời, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Thủy sản.

Hội nghị lần này đã công bố Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ NNPTNT phê duyệt ngày 22/11/2013.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng ngành Thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tốc độ tăng trường bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6%/năm.

Nguồn: Nguồn: Báo điện tử Chính phủ