Hiệu quả từ các mô hình kinh tế thanh niên

Ở TP. Đà Nẵng có nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho hàng chục thanh niên nghèo.

img

Cơ sở Nấm thanh niên của anh Nguyễn Ngô Hoàng Long tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Học cơ điện, đi trồng nấm

Mới 25 tuổi nhưng Nguyễn Ngô Hoàng Long đã là chủ của cơ sở trồng nấm tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng được 5 năm.

Vốn học khoa Cơ điện tử (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) nhưng Nguyễn Ngô Hoàng Long lại lựa chọn khởi nghiệp từ nấm. Ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, Long đã tham gia vào các lớp tập huấn của Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã và tham khảo kinh nghiệm của các cơ sở trồng nấm trong thành phố. Từ ý tưởng của mình, anh Long đã cùng với 4 người bạn góp vốn và hiện thực hóa khát vọng làm giàu của tuổi trẻ.

Cơ sở của anh vẫn được gọi là “Nấm Thanh niên” vì được các bạn đoàn viên xây dựng nên, mục đích ra đời cũng là giúp các bạn sinh viên có công việc làm thêm thu nhập ổn định.

Qua tìm hiểu, anh Long nhận thấy những công việc làm thêm như bán cafe, phục vụ, bán hàng… chiếm quỹ thời gian đi học của các bạn sinh viên rất nhiều, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Còn đối với mô hình trồng nấm, thời gian chăm sóc và thu hoạch linh động lại không tốn nhiều công sức. Đồng thời thu hoạch rất khá, thu nhập bình quân của mỗi bạn trung bình từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Từ số vốn 15 triệu đồng ban đầu, mô hình Nấm Thanh niên ngày càng lớn mạnh thu hoạch bình quân mỗi ngày khoảng 30-40 kg, phân phối tại các chợ ở Đà Nẵng, lợi nhuận thu được hằng năm đạt gần 200 triệu đồng.

Với hiệu quả đó, mô hình đã được nhân rộng cho các đoàn viên thanh niên trên địa bàn quận Liên Chiểu và được giới thiệu cho 2 hộ nghèo trồng nấm thoát nghèo bền vững.

Hiện giờ, anh Long còn là một Bí thư đoàn phường năng động và đầy nhiệt huyết, dự định về tương lai xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế khác, tiếp tục tạo việc làm cho sinh viên.

Thành công nhờ tạo khác biệt

Xưởng inox của anh Nguyễn Tri Vinh (33 tuổi) tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cũng là một mô hình kinh tế của đoàn viên nổi trội tại TP. Đà Nẵng.

Sau khi tốt nghiệp Khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, năm 2005, anh Nguyễn Tri Vinh làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch. Nhận thấy còn nhiều thời gian trống trong những lúc mùa vụ vắng khách, anh nghĩ hướng phát triển mô hình kinh tế để tăng thu nhập.

Ở Hòa Sơn, quê anh vốn là một làng đá, hầu hết người dân đều theo lối mòn làm nghề sản xuất đá thì chàng thanh niên trẻ năng động này lại chọn nuôi giun quế, tuy nhiên, vì hạn chế về quy mô và không nghiên cứu về thị trường đầu ra nên mô hình sớm thất bại.

Đứng dậy sau thất bại, lần này anh tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, khả năng vốn, công nghệ và quyết định đầu tư vào cơ sở inox vào năm 2011. Để hiện thực hóa mộng làm giàu, anh khăn gói vào TPHCM học hỏi những dây chuyền kỹ thuật hiện đại về ngành nghề này. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ thất bại đầu tiên do vấn đề đầu ra, anh đã liên kết với các nhà kinh doanh, qua đó chỉ quản lý mảng gia công còn khâu nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra được nhà kinh doanh đảm bảo.

Nhờ kinh nghiệm từ thực tiễn làm việc, anh đã sáng tạo ra nhiều loại máy mới như máy chặt có thể chặt các thanh inox mà không làm hao hụt vật liệu hay nâng công suất máy mài.

Với diện tích 200m2, xưởng sản xuất của Vinh chủ yếu sản xuất các sản phẩm móc áo quần dùng trong gia đình. Hàng tháng, có đến 30.000-40.000 sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường TPHCM và các tỉnh miền Trung.

Anh Vinh tâm sự: “Niềm vui lớn nhất từ công việc của mình là có thể tạo công ăn việc làm cho các em thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại vùng quê của mình”.

Xưởng inox của anh đã tạo việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương, đa số là các em thanh thiếu niên từ 18-23 tuổi thuộc hộ nghèo, học xong đang thất nghiệp, được anh đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm phụ giúp gia đình, với mức lương từ 3,8 - 5,5 triệu đồng/tháng.

Nguồn: Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ