Thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng GAP trong trồng trọt

Việc áp dụng rộng rãi thực hành nông nghiệp tốt GAP trong sản xuất trồng trọt được xác định là một giải pháp chủ yếu quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành trồng trọt.

img

Sản phẩm rau VietGAP ở thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều, H.Thăng Bình, Quảng Nam) được đưa đến tận tay người tiêu dùng nhờ vào sự liên kết của hàng chục hộ dân trong một hợp tác xã rau sạch. Nguồn: vietgap.gov.vn.

Tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 14.500 ha trồng trọt các sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt), trong đó, riêng thanh long của Bình Thuận là trên 7.000ha.

Cùng với đó là khoảng hơn 10.000ha sản xuất an toàn theo hướng VietGAP (người sản xuất được tập huấn, áp dụng các chỉ tiêu cơ bản của VietGAP, không đăng ký chứng nhận, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, giám sát), trong đó vải thiều Bắc Giang là 6.500 ha...

Việc áp dụng rộng rãi thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất trồng trọt được xác định là một giải pháp chủ yếu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành trồng trọt.

Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết hiện nay, Bộ NNPTNT đang từng bước thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng GAP trong quá trình sản xuất trồng trọt theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2011.

Tại hội thảo thực hành nông nghiệp tốt và định hướng phát triển rau an toàn tại Việt Nam tổ chức ngày 18/3, các đại biểu đã nêu những băn khoăn về việc để áp dụng VietGAP đòi hỏi việc thay đổi một số thói quen trong canh tác của nông dân, cùng với đó là chi phí để thực hiện và chứng nhận cũng cao hơn sản xuất thông thường. Tuy vậy, đầu ra của các sản phẩm này vẫn còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, trên cơ sở đó tăng giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất trồng trọt.

Bà Thu nhấn mạnh, chúng ta còn có khả năng xuất khẩu về rau củ rất lớn, đặc biệt là các loại rau gia vị, khoai tây, cải thảo... Trước những rào cản kỹ thuật về ATTP ngày một khắt khe của các thị trường thế giới, chúng ta sẽ phải có cơ chế liên kết với những tập đoàn lớn ở nước ngoài để thành lập những khu chế biến rau quả ngay trong nước chứ  không thể xuất tươi mãi được.

Cùng với đó, ngành Trồng trọt sẽ có nghiên cứu chuyển đổi những vùng đất ưu thế sản xuất với từng loại rau quả để tạo thành những vùng sản xuất lớn, từng bước đáp ứng được yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp đầu mối và xuất khẩu trên thị trường.

Nguồn: Nguồn: Báo điện tử Chính phủ