Nhiều cơ hội cho xuất khẩu lao động

Với việc củng cố và phát triển các thị trường lao động truyền thống, đồng thời mở thêm một số thị trường lao động mới, người lao động phổ thông sẽ có nhiều cơ hội đi xuất khẩu lao động trong năm 2014.

img

Năm 2014, cả nước phấn đấu xuất khẩu 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)
 

Nhiều thị trường lao động “rộng cửa”

Theo ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2014,  cả nước phấn đấu xuất khẩu 90.000 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…Các ngành nghề thu hút nhiều lao động nhất là nhóm lao động có tay nghề cao trong các ngành sản xuất chế tạo, điện cơ, điện lạnh, dệt may, lắp ráp điện tử. Riêng nghề nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi, vận tải biển, đánh bắt cá vẫn đang có nhu cầu cao tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, nhiều thị trường tiềm năng như Nhật Bản, CHLB Đức vẫn đang có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam.

Ngoài ra, năm 2014, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều thị trường lao động mới, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, trong năm nay, Việt Nam sẽ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động với một số thị trường mới như: Angola, Thái Lan.

Như vậy, với việc củng cố và phát triển thị trường truyền thống, đồng thời mở thêm một số thị trường lao động mới, người lao động phổ thông sẽ có nhiều cơ hội đi xuất khẩu lao động trong năm 2014.

Xử nghiêm lao động bỏ trốn

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thực hiện một trong những biện pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngày 27/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP. Theo đó, hạn cuối cùng để áp dụng xử phạt tiền đối với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng là sau ngày 10/3/2014. Điều này có nghĩa là những lao động Việt Nam đã vi phạm mà tự nguyện về nước trước ngày 10/3/2014 thì sẽ chưa áp dụng phạt tiền như quy định tại Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013.

Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao đã có thông tư liên tịch qui định chi tiết và rõ ràng qui trình xử phạt cả khi phát hiện người lao động vi phạm khi đang ở nước ngoài cũng như khi đã trở về Việt Nam. Theo đó, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động vi phạm căn cứ vào thông báo của các cơ quan chức năng nước sở tại hoặc chủ sử dụng lao động và ra quyết định xử phạt đến 100 triệu đồng về hành vi này. Ở trong nước, trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương và ngành LĐ-TB&XH. Quyết định xử phạt sẽ được niêm yết ở Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng như UBND cấp xã nơi người lao động cư trú trước khi đi, thông báo đến gia đình người lao động và sẽ cưỡng chế thi hành theo pháp luật xử phạt vi phạm hành chính nếu người vi phạm không tự nguyện chấp hành./.

Nguồn: Nguồn: dangcongsan.vn