TTKNQG: Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp và vùng chuyên canh

Thực hiện công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm 2012 và 2013 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị triển khai 145 lớp ĐTN nông nghiệp cho lao động nông thôn.

img

Đoàn công tác tham quan mô hình dạy nghề trồng ớt xuất khẩu tại Yên Bái.

Với mục tiêu ĐTN theo nhu cầu của doanh nghiệp và gắn với vùng chuyên canh để nâng cao hiệu quả của công tác ĐTN, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các lớp ĐTN gắn với vùng chuyên canh và vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau đào tạo, ưu tiên đào tạo cho nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trực tiếp làm việc với các Tổng công ty (Tổng Công ty Chè, Tổng công ty Chăn nuôi, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, Tổng Công ty lương thực Miền Nam, Tổng Công ty Rau quả, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam) và ký kết biên bản nguyên tắc về đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, ưu tiên nhân lực cho các vùng chuyên canh theo Quyết định 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Các đơn vị tổ chức ĐTN đã phối hợp với các doanh nghiệp thuộc các tổng công ty và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã có chỉ tiêu tuyển lao động sau học nghề: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận thuộc tỉnh Ninh Thuận nhận công nhân nuôi tôm với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng và nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Công ty Công Minh 1 và Công ty Cao su Phú Thịnh ở Bình Phước nhận 100% học viên được đào tạo về nghề trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Công ty cổ phần chế biến và kinh doanh Hải Dương nhận bao tiêu sản phẩm lúa, gạo cho học viên... Ngoài ra, các đơn vị đã hướng dẫn và hỗ trợ nông dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, siêu thị, thương lái và chợ đầu mối trên địa bàn.

Trong hai năm qua, công tác ĐTN nông nghiệp cho lao động nông thôn do hệ thống khuyến nông thực hiện từ nguồn kinh phí Trung ương đã đào tạo được 4.350 lao động nông thôn (145 lớp); từ nguồn kinh phí của các địa phương khoảng 15.000 người. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều thuận lợi như: Chương trình đào tạo đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; Đội ngũ giáo viên dạy nghề là những cán bộ khuyến nông có trình độ đại học, sau đại học các ngành nông nghiệp và đã học qua các lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm dạy nghề để nâng cao khả năng truyền đạt kiến thức cho nông dân; Hệ thống khuyến nông có hơn 1.000 mô hình nông nghiệp hiệu quả, đây chính là nơi để các học viên thực hành, thực tập, đáp ứng tiêu chí 70% học viên được thực hành đối với trình độ sơ cấp nghề.

Có thể nói công tác ĐTN nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp và vùng chuyên canh trong 2 năm qua đã bước đầu đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Công tác ĐTN cho lao động đã thực sự đóng góp một phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội, tác động lớn vào thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn.

Nguồn: Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia