Hà Nội: Đào tạo nghề gắn xây dựng nông thôn mới

Dành cả ngày 6/12/2013 để đi giám sát việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) tại một số huyện thuộc địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu vui mừng bởi chính từ học nghề đã khiến những người nông dân giàu lên, là cú hích cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

img

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu tại HTX hoa cây cảnh xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội

Đúng 8h sáng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã có mặt tại UBND xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Báo cáo với Thứ trưởng Thu, ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, cho biết, Thụy Hương là 1 trong 11 xã đầu tiên của cả nước hoàn thành thí điểm mô hình xây dựng NTM với đầy đủ 19 tiêu chí. Kể cả tiêu chí khó nhất là cơ cấu lao động khi 90% lao động của xã có việc làm ổn định.

Nhìn lại quá trình phấn đấu để đạt được thành tích NTM, ông Học cho hay, cách đây không lâu, người nông dân xã vẫn còn nghèo lắm, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không dư giả. Khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, đồng thời xã được chọn làm thí điểm xây dựng NTM thì toàn bộ đời sống người dân thay đổi hẳn.

Khởi điểm từ năm 2010, địa phương đã mời Trường Cao đẳng NN-PTNT Bắc bộ về dạy nghề cho 165 học viên là người dân của xã (trong đó ½ học nghề trồng hoa chất lượng cao). Thành quả thấy ngay khi toàn bộ học viên nông dân đã kiếm được việc làm với thu nhập cao (trung bình mỗi mét vuông trồng hoa thu được tới 2 triệu đồng/năm).

Từ năm 2011 đến nay, nghề trồng hoa thực sự khiến cuộc sống nông dân nơi đây thay đổi hẳn, mỗi hộ thu ngót nghét 1 tỷ đồng/năm. Dự tính cuối năm 2013 này thu nhập sẽ hơn khi đơn đặt hàng dành cho hoa Tết đến thời điểm này đã khá dài.

Cũng theo ông Học, ưu điểm của nghề trồng hoa thể hiện ở khoảng thời gian học nghề khá ngắn. Nhất là lan hồ điệp thì không phải học đủ 3 tháng mà chỉ cần 1 tháng vừa lý thuyết, vừa thực hành nông dân có thể tự trồng được.

Bổ sung thêm về kết quả thực hiện Đề án 1956 đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng NTM, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh cho hay, toàn huyện hiện có 30 xã và 1 thị trấn với dân số trên 30 vạn người. Ngay khi nhận được chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội triển khai công tác dạy nghề trên địa bàn theo Đề án 1956, từ năm 2010-2013, huyện mở được 78 lớp đào tạo nghề cho 2.619 học viên.

Riêng năm 2013, toàn huyện dạy được 36 lớp với 1.227 học viên, trong đó, 367 học viên theo nghề nông nghiệp (trồng rau an toàn, hoa, chăn nuôi lợn và thú y và 91% học viên sau học làm đúng nghề đào tạo). Số học viên theo nghề phi nông nghiệp đông hơn (860 người), hơn 80% làm đúng nghề đào tạo như tin học văn phòng, kỹ thuật chế biến món ăn, hàn, mây tre đan…

Đến thời điểm này, xã Thụy Hương đã hoàn thành 100% tiêu chí xây dựng NTM. Vì vậy, lãnh đạo xã đã quyết định tập trung vào sản xuất chuyển đổi gần 80% diện tích trồng rau an toàn, hình thành 1 HTX cây ăn quả, 1 HTX rau và 1 HTX hoa. Đồng thời quy hoạch vùng gắn với dồn điền đổi thửa, hàng hóa chất lượng cao.

Hiện, trên tổng số hơn 10.500 ha đất sản xuất của huyện Chương Mỹ thì hơn 8.000 ha của 177/215 thôn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa để xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2015, có 7 xã hoàn thành xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Doanh, năm 2014, Chương Mỹ phấn đấu dạy nghề cho 1.610 lao động nông thôn, trong đó 1.050 lao động theo nghề phi nông nghiệp; 560 lao động theo nghề nông nghiệp; gần 2.600 người được dạy nghề dưới 3 tháng và trên 85% lao động tìm được việc làm sau khi học nghề. Ngoài ra, sẽ có gần 1.500 cán bộ công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ.

Để minh chứng cho những kết quả trên, đại diện UBND huyện đã dẫn đoàn đến thăm HTX hoa cây cảnh do ông Nguyễn Duy Năm làm Chủ nhiệm. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu không khỏi ngỡ ngàng, vui mừng trước những mầm nhú của hàng ngàn chậu hoa lan hồ điệp, ly, đồng tiền và loa kèn chờ ngày tung ra thị trường.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Năm cho biết, HTX là thành quả của 31 cổ đông, trong đó người góp đất, người góp vốn, người góp công… Hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi người không dưới 3 triệu đồng/tháng (cao gấp 5 lần so với trồng lúa). Đây là kết quả mà chỉ cách đây 5 tháng ông không nghĩ mình đạt được.

Dẫn đoàn kiểm tra đi một vòng toàn bộ diện tích trồng cây rộng vài ha, Chủ nhiệm Năm cho biết thêm, lý do mà HTX có được như ngày hôm nay cũng bởi đã dành thời gian để tất cả cổ đông được đi học nghề kỹ thuật trồng cây cảnh.

Chỉ sau 3 tháng học, do chính các giảng viên của Trung tâm khuyến nông giảng dạy, tay nghề của phần lớn “cổ đông” đã nâng lên gấp nhiều lần. Nhất là đã đem lại thu nhập trung bình ổn định, không dưới 3 triệu đồng/tháng/người chỉ từ bốn loại hoa chính nói trên...

Nhìn ngắm những chậu hoa mơn mởn, chỉ chờ đến ngày đến tháng được “tung” ra thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu kỳ vọng đây sẽ là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sẽ được nhân rộng thêm nhiều vùng khác. Quan trọng hơn, những điểm sáng này sẽ góp phần cho công cuộc xây dựng NTM ngày càng hiệu quả ở nhiều địa phương.

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu băn khoăn những kết quả báo cáo “quá đẹp” về tỷ lệ lao động nông thôn tìm được việc làm tại huyện Hoài Đức từ năm 2009-2012 ở các nghề: Tin học văn phòng; kỹ thuật nấu ăn; điện dân dụng...

 
 

Nguồn: Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam