Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vẫn còn ít người “sống” được với nghề

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để giải quyết nhu cầu làm việc, nâng cao thu nhập cho người dân. Song, đến nay đã 3 năm, chương trình vẫn còn nhiều bất cập khi tỷ lệ lao động “sống” được với nghề còn ít.

img

Thứ trưởng Trần Đức Lai phát biểu tại hội nghị

Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng tuyên truyền “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” cho phóng viên báo, đài khu vực miền Nam diễn ra vào ngày 7/11/2013 vừa qua.
 
Điển hình các ngành nghề phi nông nghiệp hầu như không có người học vì nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp tại các vùng nông thôn rất ít. Trong khi đó, một số nghề mà học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề.
 
“Bất cập nhất là việc đào tạo nghề ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những nghề như sửa chữa máy tính thì rất ít người học được. Nếu có học được đi chăng nữa thì cũng rất khó để có thể sống được với nghề. Bởi mỗi một năm có biết bao nhiêu sinh viên có tay nghề về điện tử tin học ra trường có khi còn thất nghiệp. Nên những người nông dân rất khó có thể kiếm được công việc này”, ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng Cục dạy nghề) cho biết thêm.
 
Chưa kể, từ những bản làng xa xôi ra đến các trung tâm huyện để học 2 năm trung cấp, mấy tháng sơ cấp cũng phải có tiền ăn ở, đi lại. Mỗi tháng ít nhất cũng phải mất chừng 600.000 đồng. Điều này khiến nhiều học viên ở vùng sâu, vùng xa “quay lưng” lại với học nghề.
 
Tuy nhiên, đối với việc đào tạo nghề nông nghiệp lại đạt được nhiều hiệu quả. Theo Tổng Cục dạy nghề, tính từ năm 2010 đến hết tháng 6/2013 đã hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Đề án được 1.294.608 người. Trong đó 78,9% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất thu nhập cao hơn, 44,1% có việc làm nông nghiệp, 23,5% được doanh nghiệp tuyển dụng…
 
img
 
Người học nghề nông nghiệp đã tiếp thu được kiến thức, kỹ năng cơ bản để hành nghề trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất, thu nhập. Đơn cử như nghề trồng thuốc lá tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Gia Lai… sản lượng tăng 15 – 20%. Nghề trồng sắn ở Quảng Trị năng suất tăng 1,5 lần, đạt 17 – 18 tấn/ha, thu nhập đạt 40 – 50 triệu/ha. Nghề trồng lúa chất lượng cao ở Hậu Giang, sản lượng tăng từ 0,5 – 0,7 tấn/ha/vụ, giảm chi phí sản xuất từ 2 – 2,3 triệu đồng/ha so với trước khi học do người học biết cách tính toán…
 
Cũng theo Tổng Cục dạy nghề, mục tiêu trong 2 năm tới sẽ dạy nghề cho khoảng 2 triệu lao động nông thôn. Trong đó, hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Quyết định 1956 cho khoảng 1,44 triệu lao động nông thôn, số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn đạt từ 70% trở lên.