Đến 2020, Bắc Giang có 65 làng nghề đạt tiêu chí

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư mở rộng và phát triển thêm 32 làng nghề đạt tiêu chí nhằm nâng số làng nghề đạt tiêu chí công nhận lên 65 làng nghề.

img

Bắc Giang sẽ duy trì, bảo tồn nghề làm bánh đa.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2015, tỉnh sẽ phát triển thêm 8 làng nghề mới đạt tiêu chí công nhận, đưa số làng nghề đạt tiêu chí công nhận 41 làng nghề; tạo việc làm mới cho 4.160 người, nâng số lao động trong làng nghề là 21.335 người; thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất công nghiệp làng nghề đạt 1.240 tỷ đồng, bằng 2,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; nộp ngân sách đạt 1.200 triệu đồng.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đầu tư mở rộng và phát triển hình thành thêm 24 làng nghề đạt tiêu chí, nâng số làng nghề đạt tiêu chí là 65 làng nghề; tạo việc làm mới cho 11.935 người, nâng số lao động trong làng nghề là 33.270 người; thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất công nghiệp làng nghề đạt 2.184 tỷ đồng, bằng 2,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; nộp ngân sách đạt 1.850 triệu đồng. Đồng thời tiến tới nâng sản lượng, giá trị các sản phẩm đã xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu thêm một số sản phẩm mới như: Mỳ gạo, rượu, hương, đồ gỗ, đồ nhựa, dát vàng...

Theo Thông tư 116/2006/TT–BNN, để được công nhận là làng nghề phải đạt 3 tiêu chí: 1- Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; 2- Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; 3- Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang sẽ định hướng đầu tư phát triển các nghề, làng nghề có điều kiện phát triển, chú trọng phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực dân tộc thiểu số; phát triển làng nghề dựa vào lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu tại chỗ như ngành chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và lợi thế cạnh tranh về lao động, mặt bằng.

Duy trì, bảo tồn nghề làm bánh đa ở xã Dĩnh Kế, nghề sản xuất bún ở xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang; nghề ươm tơ ở làng Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa; nghề dệt thổ cẩm ở thôn Khe Nghè, nghề làm giấy dó ở thôn Trại Cao, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Bên cạnh đó, phát triển một số làng nghề truyền thống có điều kiện gắn với du lịch.

Việc phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động khu vực nông thôn; hướng tới phát triển làng nghề theo quy hoạch bền vững, bảo vệ môi trường cảnh quan và an sinh xã hội; xóa đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Nguồn: Theo Chinhphu.vn