Bình Dương: Xã hội hóa công tác dạy nghề: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhờ xã hội hóa công tác dạy nghề bằng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, kết hợp dạy nghề chính quy và không chính quy, gắn kết giữa cơ sở dạy nghề của Nhà nước với tư nhân… nên thời gian qua, Bình Dương đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

img

 Xã hội hóa công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng nhiều hơn. Trong ảnh: Học viên khoa Điều dưỡng đa khoa, dược trường Trung cấp nghề số 22 - Bộ Quốc phòng trong giờ thực hành.

Từ cơ sở dạy nghề của Nhà nước…

Số liệu thống kê đến cuối tháng 6-2013, toàn tỉnh có 55 cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp (DN) có đăng ký hoạt động dạy nghề còn đang hoạt động; trong đó có 33 cơ sở thực hiện theo chủ trương xã hội hóa công tác dạy nghề. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phùng Trung, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Mặc dù các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập chỉ xét tuyển ở một số ngành không nặng về cơ sở vật chất như kế toán, thư ký văn phòng, quản trị kinh doanh… nhưng phải nhìn nhận, các trường ngoài công lập đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.

Trung tâm Dạy nghề Quản trị công nghệ Bình Dương là một điển hình. Là nơi đào tạo cung cấp trực tiếp nhân lực cho các công ty, DN, khu công nghiệp đóng trên địa bàn và các vùng lân cận, từ khi thành lập đến nay, trung tâm đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại như máy vi tính được đầu tư mới 100%, phòng học đạt chuẩn theo quy định nhằm phục vụ sinh viên vận dụng kiến thức nhanh từ việc kết hợp học đi đôi với hành… Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc trung tâm, nói: “Chính vì quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong quá trình hoạt động, trung tâm từng bước đổi mới và phát triển, đào tạo các ngành nghề theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội, nhu cầu DN. Không những thế, trung tâm còn thành lập câu lạc bộ gắn kết tầm nhìn giữa sinh viên và DN, tổ chức hội thảo định hướng nghề, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm, tổ chức cho sinh viên đi thực tập cuối khóa, tìm hiểu thực tế; đồng thời, tiếp nhận đơn đăng ký tìm việc của sinh viên và được đăng ký tuyển dụng từ các DN. Qua đó đã giới thiệu việc làm cho nhiều lao động ở các công ty, xí nghiệp; xây dựng mối quan hệ giữa DN và nhà tuyển dụng… Thông qua chương trình này, sinh viên rút ra được nhiều bài học quý giá cho việc chuẩn bị hội nhập khi ra trường.

Bên cạnh Trung tâm Dạy nghề Quản trị công nghệ Bình Dương, còn nhiều trường nghề từng bước cũng đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động cho xã hội, cụ thể như trường Trung cấp nghiệp vụ Bình Dương, mỗi năm đào tạo từ 1.000 - 2.000 học viên hệ sơ cấp, trong đó đa số là đào tạo theo đơn đặt hàng của DN và công ty.
 
Đến xã hội hóa dạy nghề
 
Bên cạnh những cơ sở dạy nghề của Nhà nước, thời gian qua, Bình Dương quan tâm rất nhiều đến chương trình xã hội hóa công tác dạy nghề, bằng việc kêu gọi DN cùng tham gia, nhằm khuyên khích DN tiếp nhận lao động và giải quyết việc làm cho người lao động.

Để chương trình đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quy định Chính sách hỗ trợ các DN đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015. Ông Trung cho biết thêm, đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề là DN có tổ chức đào tạo người lao động có hộ khẩu thường trú ở Bình Dương, trong độ tuổi lao động (LĐ), có nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm nhưng chưa từng hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ học nghề, bao gồm các đối tượng LĐ thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; LĐ thuộc diện thu hồi đất canh tác; LĐ là người dân tộc thiểu số; LĐ là người khuyết tật và LĐ khác. Mức hỗ trợ chung là 500.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng. Ngoài ra, DN được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ người/tháng khi đào tạo nghề cho các đối tượng gồm LĐ thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; LĐ thuộc diện thu hồi đất canh tác; LĐ là người dân tộc thiểu số; LĐ là người khuyết tật…

“Nhờ xã hội hóa công tác dạy nghề, các cơ sở dạy nghề ngày càng hướng đến nhu cầu của DN, thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với DN như đưa học sinh đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN. Dù vậy, công tác dạy nghề vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là công tác tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, thế nhưng điều quan trọng là những kết quả làm được về công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương”, ông Trung khẳng định.
Nguồn: Theo baobinhduong.org.vn