Đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số: Còn nhiều trăn trở

Đề án hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn triển khai đã hơn 3 năm, nhưng cho đến giờ vẫn có một bộ phận không nhỏ đồng bào thiểu số không hề biết có một chính sách hỗ trợ dạy nghề cho mình. Không ít người thấy người khác đi học cũng đi học cùng cho vui để rồi không biết học để làm gì… Đó là những nét khắc họa về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

img

Rất nhiều vùng có đông đồng bào thiểu số sinh sống chưa biết mình trong diện được hỗ trợ đào tạo nghề.

Chính sách hay… triển khai dở

Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Đây được đánh giá là việc làm cần thiết để đưa đề án đào tạo nghề sát hơn với thực tiễn.

Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, năm 2012 đã có 836.636 lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, tăng 57.934 người so với năm 2011. Nhiều địa phương vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số đã chủ động bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực khác bằng và cao hơn so với nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được chuyển nghề, có việc làm mới ngay tại địa phương... Đó mới chỉ là một trong những "điểm sáng” nhỏ nhoi trong quá trình triển khai đề án đào tạo nghề cho đồng bào thiểu số.
 
Tại sao lại nói đây chỉ là những điểm sáng nhỏ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan lý giải, do không được phân công triển khai thực hiện nên việc xác định nhu cầu đào tạo tại vùng dân tộc miền núi còn hạn chế, chưa sát với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động dẫn đến học xong khó khăn trong tìm việc làm. Thậm chí dù Đề án đào tạo nghề cho lao động đi vào cuộc sống 3 năm nhưng hiện vẫn còn một bộ phận lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi chưa biết có chính sách hỗ trợ học nghề hoặc biết nhưng không hiểu rõ chính sách, dẫn tới tình trạng đi học không gắn với nhu cầu, học cho có.
 
Câu chuyện chính sách đã đi vào cuộc sống được 3 năm nhưng chưa giúp đồng bào có cuộc sống tốt hơn thông qua việc nâng cao tay nghề là điều có thật. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi đã thẳng thắn nhìn nhận: "Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 còn tồn tại nhiều yếu kém”. Một số địa phương đã không thực hiện tốt hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho người dân dẫn tới sự lệch pha trong cung-cầu, thậm chí chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo "không tổ chức dạy và học nghề khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau đào tạo” của Ban chỉ đạo Trung ương. Tình trạng thụ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội, chủ yếu trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách còn rất phổ biến tại các địa phương …dẫn tới chính sách tốt nhưng chưa giúp nhiều cho người dân.
 
Cung - cầu lệch pha
 
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Kso Phước cho rằng, có nhiều lý do khiến đồng bào chưa mặn mà với đào tạo nghề, đó là do thiếu sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Trong khi đó mạng lưới dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề chưa phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, một số nơi dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp không phù hợp với nhu cầu người học, người sử dụng lao động nên đồng bào không mấy quan tâm đến chuyện học nghề.
 
Đại diện cho tiếng nói của địa phương về những bất cập của đào tạo nghề, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), ông Tăng Xuân Sóng chia sẻ, các ngành nghề phi nông nghiệp hầu như không có người học, vì nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp trên địa bàn huyện rất ít. Trong khi đó, một số nghề mà học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề. Từ đó, dẫn đến tình trạng thừa mà thiếu lao động ở nhiều huyện trong tỉnh.
Nhưng điều đáng buồn nhất lại là câu chuyện người dân biết đi học không mất tiền, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí học tập tại trường nghề, vậy mà họ vẫn quay lưng với học nghề. Tại sao vậy? Là vì, từ bản làng xa xôi ra trung tâm huyện để học 2 năm trung cấp, mấy tháng sơ cấp cũng phải có tiền ăn ở, đi lại. Mỗi tháng dù tằn tiện hết mức cũng khoảng 600 – 700 ngàn đồng. Đối với các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, khoản chi phí này vẫn vượt quá khả năng chi trả của họ.
 
Tìm cách hút người dân học nghề
 
Để trả lời cho câu hỏi hút người học bằng cách nào, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng: Háo hức học nghề nhưng về địa phương không ai có đủ điều kiện tiếp nhận họ vào làm việc sẽ làm nhụt chí người học. Vì vậy, phải có cơ chế khuyến khích thu hút, kêu gọi, ưu đãi cho doanh nghiệp lên vùng khó khăn sản xuất kinh doanh. Tóm lại, đào tạo nghề cho bà con dân tộc phải theo đặc thù, truyền thống của các dân tộc, không thể mang nghề từ Hà Nội lên truyền dạy ở trên núi được.
 
Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết: Tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ bàn bạc cùng với Bộ LĐTB&XH có chương trình đào tạo nghề dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc và người dân tộc thiểu số. Cụ thể, các bộ, ngành nên xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lên tổ chức sản xuất, phối hợp với nông dân sử dụng nguồn lực của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người nông dân.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng cho rằng: Để thực hiện tốt việc dạy nghề cho lao động nông thôn phải huy động sự tham gia, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của các bộ, ban ngành liên quan. Huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất bao tiêu hàng hóa cho người dân. Đặc biệt, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo đến khâu giải quyết việc làm.
 
Theo tinh thần Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ LĐTB&XH vừa đề xuất, mức hỗ trợ tối đa cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách, lao động nghèo… tham gia học nghề được nâng lên mức 3 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày. Dự thảo cũng đã quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở quy mô lao động nông thôn, nhu cầu học nghề… ưu tiên cho các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và các địa phương có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số. Bổ sung mục tiêu cụ thể về hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho 6 triệu lao động nông thôn, đặt hàng dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho khoảng 540.000 lao động thuộc diện nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số…
Nguồn: Theo baomoi.com