Cần Thơ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 3 năm nhìn lại

Qua 3 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay Ban chỉ đạo thực hiện "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2012” của 09/09 quận, huyện thuộc TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện khá hiệu quả…

img

Mô hình đan giỏ lục bình đang giúp cho nhiều chị em nông thôn thoát nghèo bền vững. Ảnh QUỐC TRUNG.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Hai địa phương được chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2012” là quận Cái Răng và huyện Thới Lai, trong đó quận Cái Răng là điểm thực hiện đào tạo nghề lĩnh vực phi nông nghiệp, còn huyện Thới Lai thực hiện đào tạo nghề lĩnh vực  nông nghiệp.

Hằng năm, TP. Cần Thơ đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên cơ sở kết quả điều tra nhu cầu đào tạo của các quận, huyện. Theo đó các quận, huyện sẽ chủ động chọn lựa nghề đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển KT - XH và nhu cầu học nghề hằng năm của địa phương. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố cũng đăng ký tham gia dạy nghề, ưu tiên lựa chọn những cơ sở dạy nghề là doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động sau đào tạo, để giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Bên cạnh đó, cuối năm, TP. Cần Thơ đều điều tra tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo nghề để nắm được những nghề nào, lĩnh vực đào tạo nào có tỷ lệ giải quyết việc làm cao nhất, tổ chức tuyên truyền, nhân rộng để các quận, huyện học tập, làm theo. Ngoài việc thông qua các ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo còn phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng như báo Đại Đoàn Kết, báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ, đài truyền thanh quận, huyện nhân rộng những mô hình tiên tiến về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố.

Ông Châu Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thực tế cho thấy, địa bàn TP. Cần Thơ, lĩnh vực dạy nghề nông nghiệp có tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo cao hơn cả do người học nghề sau khi học đã áp dụng được những kỹ năng và kiến thức học được vào thực tế các mô hình nông nghiệp sẵn có của gia đình. Cụ thể như: mô hình trồng lúa giống, lúa chất lượng cao; trồng dưa hấu; trồng rau màu hay mô hình chăn nuôi thủy hải sản...v.v. Riêng đối với lĩnh vực phi nông nghiệp thì tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo tập trung cao chủ yếu đối với các nghề giải quyết việc làm tại hộ gia đình. Tỷ lệ làm việc tại các doanh nghiệp còn rất thấp phần lớn do tâm lý người lao động tại Cần Thơ không muốn làm việc xa gia đình… 

Qua gần 3 năm thực hiện Đề án, được các ngành, đoàn thể như: Đoàn đại biểu quốc hội, HĐND TP. Sở LĐTB&XH, Thanh tra Sở, cùng với các đơn vị có liên quan, quan tâm, phối hợp kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề, đã tổ chức dạy nghề cho 9.313 lao động, trong đó có 4.226 lao động nữ. Có 692 lao động thuộc diện hộ nghèo được đào tạo nghề. Số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 6.692 lao động, chiếm 71,8%. Đến nay đã có 16 hộ thoát nghèo từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề như may công nghiệp, may gia dụng và nề. Ngoài ra còn có nhiều hộ thoát nghèo từ chương trình phối hợp giữa mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn và các mô hình thoát nghèo bền vững như nuôi heo, nuôi bò... Chị Phạm Thị Mai (ngụ tại ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai) sau khi học lớp may gia dụng của huyện, được huyện tạo điều kiện thành lập tổ may mặc với 5 thành viên, do chị làm tổ trưởng. Mỗi ngày, chị nhận khoảng trên dưới 100 cái áo của Công ty Phước Thọ về phát cho 5 thành viên trong tổ may gia công. Chị Mai tâm sự: Sau khi học xong được doanh nghiệp Phước Thọ giao hàng gia công, mỗi cái áo chúng tôi được trả 2.500 đồng. Nếu mỗi ngày chịu khó ít nhất cũng được 20 cái, kiếm thêm được 50.000 đồng/ngày. Với mức sống ở nông thôn thời gian nhàn rỗi làm gì ra số tiền này. Thời gian qua, nhiều chị em trong ấp Định Hòa B đã tham gia vào lớp may, có sản phẩm liên tục nên thu nhập khá ổn định, ai cũng mừng…

Còn nhiều vướng mắc

Ngoài những kết quả đạt được thời gian qua, việc thực hiện "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2012” trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng tồn tại nhiều khó khăn bất cập, khiến cho nhiều địa phương lúng túng trong công tác triển khai, dẫn tới nhiều lúc, nhiều nơi hiệu quả của Đề án phát huy chưa cao. 

Theo Sở LĐTB&XH, thời gian qua, nhiều cán bộ quản lý của các trung tâm dạy nghề ở quận, huyện thường xuyên luân chuyển công tác, gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện Đề án. Thời gian qua, nhiều cơ sở dạy nghề, thậm chí là học viên cho rằng: Số tiền hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày là quá thấp, đặc biệt là đối tượng thuộc hộ nghèo, là lao động chính trong gia đình, họ không thể bỏ việc để đi học.

Qua điều tra của Ban chỉ đạo "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2012”, TP. Cần Thơ cho thấy: Đại bộ phận người lao động nông thôn tại đây có tâm lý ngại xa gia đình. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác giải quyết việc làm sau đào tạo, nhất là hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp. Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo đối với một số nghề chưa mang tính bền vững, đặc biệt là các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân trên là do thường xuyên thiếu nguyên liệu, trong khi đó giá thành gia công lại quá thấp.

Ông Châu Hồng Thái kiến nghị: Một trong những cách để công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả là Trung ương cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong thời buổi hiện nay, nhu cầu học nghề nâng cao của các đối tượng đã qua các lớp nghề sơ cấp ngày càng nhiều, do vậy, Trung ương cần bổ sung chính sách học nghề để các lao động này có điều kiện nâng cao tay nghề và trình độ lao động. Cần tăng mức kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Những kiến nghị của TP. Cần Thơ cũng là thực trạng khó khăn chung của các tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng phát huy hiệu quả, những kiến nghị của các địa phương là cơ sở hữu ích để Ban Chỉ đạo Trung ương sớm đề ra nhiều chính sách phù hợp, thực hiện đề án đạo tạo nghề cho lao động nông thôn những giai đoạn tiếp theo ngày càng có hiệu quả, từng bước làm thay đổi bộ mặt, đời sống của người dân nông thôn...

Nguồn: Theo daidoanket.vn