Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: khó nhất là tìm việc làm sau đào tạo

Tại thành phố Vinh, địa phương tập trung nhiều dự án lớn của tỉnh Nghệ An, lượng lao động cần được đào tạo nghề sau khi bị thu hồi đất rất lớn. Thế nhưng, theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vinh, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn thành phố chỉ có 99 lao động được đào tạo nghề.

img

Nguyên nhân do nguồn kinh phí để đào tạo nghề được chuyển về trường đào tạo quá chậm thêm nữa là việc tuyển sinh gặp khó khăn do các gia đình không muốn con em mình theo học những ngành nghề do các trường dạy nghề đào tạo. Có trường để có đủ học viên phải xin mở rộng địa bàn tuyển sinh lên các huyện lân cận.

Mặt khác, do đặc thù của thành phố, sau khi bị thu hồi đất, các gia đình có một khoản tiền đền bù khá lớn và có phương án làm ăn mới như xây nhà trọ, đầu tư kinh doanh… Vì vậy, lao động không mặn mà với việc học nghề. Hơn nữa, học nghề dù được miễn phí, nhưng chỉ được đào tạo ở trình độ sơ cấp, khiến nhiều người băn khoăn.

Thực tế còn cho thấy, sở dĩ lao động nông thôn tại Nghệ An chưa mặn mà với việc học nghề là do việc đào tạo chưa sát với nhu cầu của dân và đặc điểm phát triển kinh tế địa phương, nên sau đào tạo, lao động không thể hành nghề hoặc có hành nghề nhưng không hiệu quả. Tại xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), mũi nhọn phát triển kinh tế là trồng rừng, trồng cây nguyên liệu công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng xã vẫn chưa mở được những lớp đào tạo nghề liên quan. Còn với nghề dệt thổ cẩm mà xã đang mở lớp đào tạo, người dân cho rằng, đầu ra cho sản phẩm khó khăn và hiệu quả kinh tế thấp.

Để tạo việc làm cho người lao động sau khi bị thu hồi đất, xã Nghi Phú (Thành phố Vinh) đã đặt vấn đề với các doanh nghiệp trên địa bàn để mỗi đơn vị tiếp nhận 10 lao động. Tuy nhiên, nhiều năm qua, không có lao động nào được nhận vào làm việc, vì họ không được đào tạo những nghề liên quan.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chắc chắn cần khảo sát nhu cầu thực tế của người dân rồi mới tổ chức mở lớp và phải ưu tiên dạy những nghề có thể giải quyết việc làm sau đào tạo, các nghề gắn với những đề án phát triển kinh tế của địa phương.