Cần đẩy mạnh công tác truyền thông để thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020

Vừa qua, Tạp chí Lao động - Xã hội đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác truyền thông thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020. Vấn đề nóng được nêu tại hội thảo này là mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 5 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 1956 đã được Chính phủ phê duyệt.

img
Một góc vườn tăng gia - Ảnh Việt Thắng

Vấn đề đặt ra là trong 9 tháng đầu năm 2012, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được mục tiêu, vậy nguyên nhân tại đâu và liệu chúng ta có đặt ra vấn đề bằng mọi giá phải hoàn thành chỉ tiêu hay không?  Theo các ý kiến tại hội thảo, chiêu sinh trong các trường đào tạo nghề hiện nay chưa đạt yêu cầu là do người dân chưa được thông tin nhiều nên chọn học nghề còn ít. Một vấn đề nữa là việc gia hạn thời gian chiêu sinh tới tháng 12 nên học sinh vẫn đang chờ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào đại học, cao đẳng trước khi bước vào học nghề nên số lượng còn rất thấp. Chính sách đào tạo nghề chưa tuyên truyền được nhiều cho nên gia đình cũng như chính bản thân các em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT rồi vẫn chưa mặn mà với học nghề.

Về phía thủ tục hành chính, có 2 nguyên nhân, thứ nhất do kinh tế khó khăn nên thực hiện phân bổ nguồn vốn chậm. Tới tháng 6-2012 mới được thực hiện nên nhiều địa phương bị động trong đó chưa có nguồn bố trí. Thứ hai nhiều địa phương cũng lúng túng trong đánh giá.

Về mục tiêu số lượng, nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không nên chú trọng vào số lượng mà phải quản lý về chất lượng, không đào tạo tràn lan, đào tạo ra phải có việc làm. Mục tiêu là người lao động có kiến thức, có kỹ năng về sản xuất, làm sao để năng suất lao động cao hơn thì thu nhập sẽ cao hơn. Để đạt chất lượng đào tạo, người được đào tạo ra là có việc làm thì cần đào tạo theo đơn đặt hàng, cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải dự báo được việc làm của người lao động. Ví dụ một xã đào tạo lớp chăn nuôi thì phải xác định chăn nuôi con gì, gia súc hay gia cầm, xác định thời gian học bao lâu, học về có làm ở địa phương được không. Chính quyền xã phải phối hợp cùng với huyện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết và đăng ký học.

Các doanh nghiệp phải đặt hàng dạy nghề với các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Ví dụ tại Nghệ An có doanh nghiệp tư nhân, dạy nghề cho hàng nghìn người đồng thời bao tiêu sản phẩm, nguyên liệu mang tới tận nhà cho người dân, sản phẩm ra bao nhiêu tiêu thụ hết. Để việc thực hiện Đề án thành công, vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn rất quan trọng.