Đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn: cần chọn khóa học ngắn hạn phù hợp và có việc làm ngay khi học xong

Nhiều báo cáo khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ thời gian qua cho thấy, trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của lao động nữ ở nhiều vùng nông thôn còn thấp, nhất là thiếu định hướng nghề nghiệp. Thực tế, hiện nay ở nhiều địa phương có tình trạng phụ nữ ở độ tuổi 16 đến 19 bỏ học khá nhiều. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động nữ phải làm việc trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, rủi ro cao. Thậm chí, còn bị bóc lột sức lao động và dễ bị tổn thương.

img
Lao động nữ ở vùng nông thôn trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện - Ảnh minh họa

Một thực tế khác là có những lao động nữ có trình độ, tay nghề tương đương với lao động nam, song vẫn không được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng. Bởi vậy, với đội ngũ lao động nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi của lao động nữ là rất lớn, song họ không thể tìm kiếm được việc làm thêm. Theo số liệu điều tra cho thấy, hơn 50% số các em gái ở vùng nông thôn phải nghỉ học vì nhà nghèo, phải tham gia lao động giúp cha mẹ để ổn định cuộc sống gia đình. Tiếp đến là do ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, họ quan niệm rằng, phụ nữ cũng không nên học cao và chỉ cần ở nhà làm nông nghiệp. Thiếu việc làm ổn định, cộng với kiến thức pháp luật hạn chế, nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình, ngược đãi, buôn bán người. Không ít phụ nữ đã kiếm tiền bằng con đường phi pháp như cờ bạc, buôn bán ma túy, mại dâm...

Ðể công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cần chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp, nhất là liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề và giới thiệu, cung ứng việc làm. Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn nông thôn, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động.