Bắc Ninh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng chuyên sâu

Bắc Ninh là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống. Hàng năm, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề đều có quy mô nhỏ, tự phát và đặc biệt là nguồn lao động không ổn định. Để giúp các làng nghề nói riêng và ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của tỉnh nói chung khắc phục khó khăn về nguồn lao động Tỉnh đã chú trọng thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nhân cấy nghề ở nông thôn.

img
Một góc làng nghề

Thời gian qua, Tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển phối hợp với phòng Kinh tế, phòng Công Thương, trung tâm dạy nghề các huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hơn 3000 lao động. Trong đó, tập trung chủ yếu là các lớp dạy nghề gỗ mỹ nghệ, may màn xuất khẩu, cơ khí, gốm sứ, đan mây tre, may công nghiệp…ở các làng nghề lớn như: Đồng Kị, Kim Bảng, Phù Khê, Đa Hội, Phù Lãng nhằm nâng cao chất lượng lao động ở các địa phương trên địa bản tỉnh.

Một trong những hoạt động hiệu quả là Bắc Ninh đã khảo sát, lựa chọn nghề đào tạo phù hợp giúp nhanh chóng tạo ra thu nhập cho người lao động, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc đào tạo nghề cho LĐNT theo chiều sâu để nâng cao chất lượng lao động đang ngày càng được đẩy mạnh. Trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, từng bước xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, đáp ứng yêu cầu đào tạo cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương chú trọng công tác khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động còn thiếu để có cơ sở mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động, đồng thời quy hoạch mạng lưới dạy nghề lên đến gần 60 cơ sở,  một số trung tâm dạy nghề được nâng cấp và bổ sung trang thiết bị giảng dạy. Hiện 8/8 huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh đều có trung tâm dạy nghề, trường trung cấp công lập; nhiều nghề đào tạo mới được tăng cường, quy mô đào tạo mở rộng, chất lượng đào tạo nâng cao. Tất cả đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Thời gian vừa qua, Tỉnh cũng đã tăng cường triển khai các dự án khôi phục nghề truyền thống, hỗ trợ kinh phí đào tạo, truyền nghề mới cho lao động từ nguồn quỹ khuyến công đã và đang được triển khai có hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Bên cạnh đó, một số địa bàn đã phát triển thêm nghề mới góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội ngày càng vững mạnh”. Như xã Hương Mạc thuộc Thị Xã Từ Sơn trước đây người dân chủ yếu làm nghề nông, giờ xã đã duy trì và phát triển thêm ngành sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ xuất khẩu và gia dụng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Trong thời gian tới, các dự án khuyến công sẽ tiếp tục được triển khai và tập trung nhiều vào chương trình đào tạo các nghề như dệt may, cơ khí, chế biến gỗ…hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, Tỉnh sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận để triển khai đề án; thực hiện tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ thợ giỏi, người có tay nghề cao tại các làng nghề để tạo lực lượng nòng cốt tham gia đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn.