Nhân rộng những điển hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực tế cho thấy, việc triển khai công tác đào tạo nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua tại Yên Bái đã và đang phát huy hiệu quả bước đầu.

img

Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Đồng (Trấn Yên).

Hiệu quả của các mô hình dạy nghề thí điểm

Kết quả rõ nhất thể hiện ở việc đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình nông nghiệp thí điểm. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án 1956, hầu hết các mô hình thí điểm đều phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, năm 2010, Tổng Cục dạy nghề tổ chức đặt hàng Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên và Trường Cao đẳng nghề Yên Bái xây dựng 02 mô hình thí điểm cho 60 lao động nông thôn tại xã Đại Phác. Trong đó mô hình nghề chăn nuôi lợn cho 30 người, mô hình xây dựng cho 30 người, sau khi học xong 100% người học nghề có việc làm.

Năm 2011, tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng 18 mô hình, trong đó có 9 mô hình dạy nghề nông nghiệp và 9 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp ở 9/9 huyện, thị, thành phố với 525 người học. Theo kết quả khảo sát, số người học xong tự tạo việc đạt 60% và số người đi làm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đạt 35%.

Trong 2 năm 2012 và 2013, tỉnh tổ chức 74 mô hình, trong đó có 38 mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp và 36 mô hình thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp với 2.355 người được đào tạo.

Các mô hình thí điểm sau một thời gian triển khai đã cho kết quả rõ rệt. Đặc biệt là mô hình kỹ thuật trồng lúa, chăn nuôi lợn, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng nấm, khai thác và chế biến gỗ rừng, nghề chế tác đá Suối Giàng, thêu dệt thổ cẩm, trồng nấm rơm ở Mường Lò… đã tạo việc làm và tăng đáng kể nguồn thu nhập cho người lao động. Các mô hình phi nông nghiệp điển hình là nghề xây dựng đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, có một số người lao động đã chủ động thành lập tổ, đội tự nhận thầu và trực tiếp xây dựng các công trình quy mô vừa và nhỏ ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.

Nhân rộng các đơn vị, cá nhân điển hình

Có thể nói, từ khi Đề án 1956 được triển khai, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Yên Bái luôn được ấp uỷ, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Sau khi hoàn thành chương trình học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy áp dụng các kỹ thuật để phát triển nghề đã học, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Điển hình như tại huyện Trấn Yên sau khi mở các lớp dạy nghề kỹ thuật trồng nấm tại xã Tân Đồng, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại xã Việt Thành và Báo Đáp, trồng và sơ chế măng Bát Độ tại xã Hưng Khánh, các học viên đã áp dụng tốt kỹ năng, kỹ thuật được học vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, sản phẩm có chất lượng cao, tiêu thụ nhanh trên thị trường, các hộ gia đình tiêu biểu như hộ bà Tạ Thị Phương, thôn 5 xã Tân Đồng, Trần Thị Hồng Loan, thôn 1 xã Tân Đồng.

Tại huyện Lục Yên, với các lớp đào tạo nghề chạm khắc đá tại các xã Tân Lĩnh và Yên Thắng, nhiều học viên sau khi học xong đã mở xưởng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-10 triệu/tháng, người lao động tại các xưởng này chủ yếu là các lao động đã tham gia học các lớp đào tạo nghề chạm khắc đá được mở tại địa phương. Trong đó có nhiều hộ gia đình tiêu biểu như ông Trần Văn Định, Nguyễn Lê Hoàn ở thôn 2, Tân Lĩnh (Lục Yên)…

Ngoài ra còn có các lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng nấm (xã Đại Phác, Phong Dụ, Lăng Thíp huyện Văn Yên), nghề chế biến gỗ rừng trồng (xã Đông An, Văn Yên), nghề chăn nuôi lợn (xã Tân Thịnh – Văn Chấn), nghề kỹ thuật nuôi ong mật (xã Nậm Khắt, xã Dế Xu Phình – Mù Cang Chải) và nhiều mô hình dạy nghề khác đã phát huy tốt tính hiệu quả, giúp người học hiểu và áp dụng đúng những kỹ thuật trong quá trình canh tác, sản xuất, giúp tăng thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động khác, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo thống kê, tỷ lệ lao động có nghề sau đào tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay đã đạt khoảng 65%. Qua đó, không chỉ đóng góp vào quá trình xoá đói giảm nghèo mà còn tạo ra đông lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái