Đồng Tháp: Triển vọng từ Câu lạc bộ sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung

Trong khi nhiều nông dân đang loay hoay với bài toán “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” thì nhiều thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung lại yên tâm hơn về hạt lúa của mình làm ra. Bởi lẽ, họ tham gia vào mô hình sản xuất lúa giống được bao tiêu từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch.

img

Thời gian đầu, CLB sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung chỉ đáp ứng nhu cầu giống cho người dân địa phương, nhưng đến năm 2003, khi nông dân đã quen với kỹ thuật gieo cấy lúa giống thì diện tích cấy lúa giống được mở rộng. Hiện tại, số lượng thành viên trong CLB là 121 người với 205ha diện tích sản xuất lúa giống. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng cho việc sản xuất thành công nhiều năm qua của các thành viên trong CLB là nhờ vào việc ký kết hợp đồng bao tiêu với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thuộc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang. Theo đó, vào mỗi vụ Công ty sẽ cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ về kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra. Các giống lúa sản xuất thường là những giống chất lượng cao như: OM 6976, OM 6561, IR 50404, jasmin 4218, AGPPS 103...

Để sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp huyện Lấp Vò đã chú trọng phương thức liên kết “4 nhà” trong sản xuất để bảo đảm đầu ra cho lúa giống sau thu hoạch. Ông Trần Văn Thông - Chủ nhiệm CLB sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung cho biết: “Qua thực tế sản xuất cho thấy, so với việc canh tác lúa hàng hóa trên cùng một diện tích, lợi nhuận thu được từ gieo cấy lúa giống cao hơn khoảng 30-40%. Không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà khi tham gia cấy lúa giống, các thành viên viên còn có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng. Bởi lẽ, mô hình sản xuất lúa giống được nông dân thực hiện theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” khá hiệu quả. Từ các buổi tập huấn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện cũng như Công ty cung cấp giống, sau mỗi vụ, CLB tổ chức họp thành viên rút kinh nghiệm cho sản xuất vụ sau.”

Theo các thành viên trong CLB, trước khi xuống giống, nông dân được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ chi phí cho khâu làm đất. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp. Làm lúa thường, khi thu hoạch lại thấp thỏm về đầu ra, còn lúa giống thì đã có bao tiêu, giá lại cao hơn lúa thường từ 600-850 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Ông Cao Thành Niên - thành viên CLB sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung cho biết: “Thời gian đầu, tôi rất vất vả vì quy trình làm lúa giống đòi hỏi khắt khe từ khâu làm đất, đến chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà nó đem lại lớn hơn nhiều so với trồng lúa thường. Vụ đông xuân 2012-2013, khi lúa thường bán với giá 4.500 đồng/kg, thì lúa giống tôi bán được với giá gần 5.200 - 5300 đồng/kg. Tính ra, một công lúa giống thu nhập hơn lúa thường khoảng 1-1,5 triệu đồng”.

Tương tự, ông Đào Văn Hết - thành viên CLB sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung cho biết: “Trong sản xuất lúa giống, để đạt hiệu quả thì khâu khử lẫn đặc biệt quan trọng. Làm lúa thường, khi thu hoạch bán cho thương lái, giá cả tùy vào họ, còn lúa giống thì đã có công ty thu mua hết, giá lại cao hơn. Với diện tích 1,2 ha sản xuất lúa giống, trung bình 2 vụ lúa mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi vài chục triệu đồng.”

Qua mô hình sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Lấp Vò cho thấy việc liên kết sản xuất lúa giống thực sự là hướng đi rất hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngành Nông nghiệp huyện Lấp Vò đang có chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa giống và quy hoạch lại vùng chuyên canh sản xuất, trong đó có vùng sản xuất lúa giống năng suất cao phục vụ xây dựng nông thôn mới tại các xã.

Nguồn: Nguồn: Báo Đồng Tháp