Nuôi trâu

Ông Lê Văn Triển, 60 tuổi ở thôn Sen Bình, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mắc võng nằm trông trâu gặm cỏ. Ông cho hay, đang chăn đàn trâu hơn 30 con của nhà mình và các hộ ông Lê Văn Đề, Lê Văn Vững cùng thôn.

img

Ông Lê Văn Triển: 1 con trâu ít nhất cũng có giá 20 triệu.

Đây cũng là cách giao ước chăm đàn của ba gia đình. Cứ mỗi gia đình giữ một ngày và luân phiên nhau liên tục như thế. Nói là giữ trâu, nhưng cũng chỉ chủ yếu đi theo đàn, trông nom không cho nó đi bậy phá cây cối và trông chừng kẻ xấu.

Việc giữ trâu cũng chẳng nặng nhọc gì. Ngày nào cũng đưa cả đàn lên vùng đồi phía hồ Bàu Dum. Trâu ăn no cỏ rồi xuống hồ tắm hay cụm lại nằm nghỉ trên bờ hồ. Người chăn giữ mang theo cơm trưa, nước uống, võng mắc gốc cây thảnh thơi nằm.

Theo ông Triển, trâu có thời gian sinh sản giống như bò. Cũng mỗi năm 1 lứa hay ba năm 2 lứa. Khi bê nghé ra đời thì có tốn công chăm sóc một chút. Vì phải để chúng ở chuồng chăm khoảng 1 tháng cho vững chân mới cho theo mẹ, theo đàn. Sau khoảng một năm rưỡi, nghé đã trưởng thành qua giai đoạn trâu tơ. Lúc này đã bắt đầu có giá bán.

Ông Triển đi xuống bầy trâu nhà. Ông vòng qua trước đầu một trâu tơ đầy tuổi, xoa xoa lên đầu như vỗ về. Con trâu cứ đứng yên. Vừa xoa xoa, ông vừa bảo: "Nhìn vậy chứ có người trả giá rồi. Nhưng 18 triệu là tôi không cho rờ tới mô" (ý nói là trả giá 18 triệu đồng là chưa được sờ đến trâu - PV). Giá chót cũng phải 20 triệu”.

Ông Đinh Đức Chương, Trưởng thôn Sen Bình đi cùng, tính toán: “Vậy là cứ trâu mẹ đẻ bê, người nuôi chăm thì đã có thu nhập mỗi tháng hơn triệu đồng. Vì trâu 18 tháng tuổi có giá bán khoảng 20 triệu đồng”.

Ông Chương cũng cho hay, thôn có 150 hộ và trong số đó hơn 100 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn khoảng 160 con. Hộ gia đình có đàn trâu, bò từ 5 con trở lên cũng chiếm tỷ lệ khá nhiều. Số hộ còn lại đang trong giai đoạn nuôi sinh sản để gây giống. Nếu hộ có tổng đàn từ 5 con trở lên thì có thu nhập mỗi năm khoảng 60 - 80 triệu đồng”.

Còn ông Triển cho hay: “Đàn trâu nhà có 6 trâu mẹ sinh sản thì cứ khoảng hai tháng là có trâu tơ xuất chuồng. Mỗi năm khoảng 6 lứa xuất và thu về cũng trên trăm triệu đồng. Đó là chưa kể trị giá đàn trâu mẹ”.

Trước đây, thôn Sen Bình có đàn trâu bò nhiều hơn bây giờ. Nhà nào cũng nuôi và có nhà đã duy trì được đàn gia súc lên 40 - 50 con. Hỏi vì sao giảm tổng đàn, ông Chương lý giải: “Trước đây, bà con ít đi làm ăn xa nên có nhân lực trong coi. Bây giờ thanh niên thì đi Nam, chỉ còn lại người có tuổi ở nhà nên không có sức để ngày nào cũng theo trâu bò. Diện tích đồi đã phủ hết cây lâm nghiệp nên nguồn cỏ cũng ít.

Hơn nữa, việc chăn nuôi gia súc hầu hết do dân tự phát. Nếu có chương trình hay tương tự để phát triển thì bà con sẽ hồ hởi ổn định và tăng tổng đàn ngay”.

Hỏi về bệnh tật của đàn trâu, ông Triển cho rằng cũng ít thấy. Ông cười rổn rảng phô cả mấy chiếc răng đã rụng: “Duy chỉ có bệnh LMLM. Hồi mới có thì cũng sợ và khi đó người mua cũng ít. Chữa bệnh này thì theo dân gian thôi. Tôi cứ nấu lá, quả khế chua, có chanh tươi và muối hạt rồi bôi vào chân trâu. Sáng trước lúc ra chuồng và tối khi lùa trâu về. Bôi miết vậy rồi nó cũng khỏi”.
 

Nguồn: Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam