Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn: Điểm sáng ở Phú Thọ

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Sau 3 năm triển khai Đề án 1956 tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

img

Kết quả bước đầu…

Theo Kế hoạch số 1609 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2015, dạy nghề cho 160.000 lao động nông thôn trong đó 50%-55% là dạy nghề nông nghiệp, còn lại là phi nông nghiệp. Tính đến hết năm 2012, số lao động nông thôn được học nghề (trong 3 năm) là 14.114 người, bằng 29,7% kế hoạch; trong đó nghề phi nông nghiệp 3.800 người chiếm 26,9%, nghề nông nghiệp 10.314 người chiếm 73,1%. Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 11.425 người đạt 80,9%; nghề phi nông nghiệp 2.807 người đạt 73,9%, nghề nông nghiệp 8.618 người đạt 83,6%. Giai đoạn 2010 - 2012, đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho 09 cơ sở dạy nghề, gồm trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Phú Thọ, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Phú Thọ và 07 trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Năm 2010, Tổng cục Dạy nghề phối hợp với tỉnh thí điểm mô hình đào tạo nghề ở xã Gia Điền, huyện Hạ Hoà, gồm 2 nghề: Nuôi lợn thương phẩm, trồng nấm cho 70 lao động. Năm 2011, tỉnh Phú Thọ tổ chức thực hiện thí điểm 13 mô hình, đào tạo 9 nghề cho 419 lao động tại 11 huyện, thành phố, trong đó có những nghề đặc thù, nghề thuộc làng nghề: Nuôi rắn thương phẩm, chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh, trồng rau an toàn, trồng dưa bao tử. Năm 2012, tỉnh tổ chức 28 mô hình, đào tạo 16 nghề cho 896 lao động (so với năm 2010 và năm 2011); có 09 nghề mới, 07 nghề tiếp tục thí điểm và nhân rộng. Theo đó, các nghề thuộc nhóm nghề trồng trọt, chăn nuôi mang tính phổ biến (07/16 nghề) đều có khả năng nhân rộng: Trồng lúa năng suất cao, trồng ngô, trồng chè, nuôi và phòng trị bệnh cho gà (trâu, bò, lợn), nuôi cá nước ngọt. Các nghề trồng cây chuyên canh, nghề đặc thù, nghề thuộc làng nghề nếu nhân rộng, tập trung đầu tư có thể hình thành làng nghề hoặc vùng sản xuất theo hướng hàng hóa: Trồng hoa đào; trồng rau an toàn; trồng dưa bao tử; trồng chè; trồng và nhân giống nấm; nuôi rắn thương phẩm.

Qua 3 năm triển khai Đề án, mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường đầu tư; chương trình, giáo trình dạy nghề được phát triển, chỉnh sửa bổ sung phù hợp nhu cầu thực tiễn từng địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và của cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề được tăng cường về số lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ban đầu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đa số lao động nông thôn sau đào tạo nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tìm được việc làm mới, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Đề án nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là rất lớn, trong khi khả năng bố trí ngân sách trung ương còn hạn chế, ngân sách tỉnh chưa bố trí được kinh phí dạy nghề nên kết quả đào tạo chưa đạt được kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu, chưa phù hợp với tâm lý của người lao động, tuyển sinh còn chồng chéo, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Cơ sở vất chất cho các cơ  sở dạy nghề còn thiếu, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề mới thành lập, trung tâm dạy nghề trực thuộc các đoàn thể. Đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu, chương trình, nội dung đào tạo chưa thực sự sát với thực tế địa phương, còn nặng về lý thuyết, kỹ năng thực hành; một bộ phận không nhỏ người lao động chưa hiểu hết ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi học nghề…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Ba cho rằng: Do một số học viên không chịu phát huy nghề đã học, đi học cho có hình thức để nhận hỗ trợ chứ chưa thật sự chú tâm vào nghề. Thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khiến người học phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nghề rất khó khăn. “Đào tạonghề phải chú trọng chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Mỗi chương trình đào tạo, mỗi nghề nghiệp dự định đào tạo ở một địa phương cần bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lao động nông thôn học nghề xong phải có việc làm chứ học để có nghề là chưa đi đến đích của đề án” - ông Hải nói.

Gỡ “nút thắt” trong thực hiện

Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tháng 9/2013 vừa qua, thảo luận dự thảo báo cáo Kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2010-2015, nhiều ý kiến đưa ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đào nghề, đặc biệt là đào tạo nghề theo Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ khẳng định: Đào tạo nghề trong tỉnh dù có nhiều cố gắng nhưng chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn, dù Phú Thọ được đánh giá là tỉnh làm tốt, có nhiều mô hình đào tạo nghề hay. Bây giờ, phải có kế hoạch cho từng xã chứ không chỉ huyện nữa. Cần phải phối hợp gắn kết giữa địa phương - cơ sở đào tạo - lao động nông thôn thì mới thực hiện đồng bộ được.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, mục tiêu từ nay đến năm 2015, tỉnh đào tạo nghề cho 23.100 người trong đó lao động học nghề nông nghiệp là 60%. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề 75% trở lên, đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi côngvụ cho khoảng 6.000 lượt cán bộ công chức cấp xã.

Cũng theo kế hoạch thực hiện Đề án 1956 giai đoạn 2013 - 2015, UBND tỉnh Phú Thọ đã nêu ra nhiều giải pháp, trong đó rất chú trọng khâu tuyên truyền. Kế hoạch của tỉnh nêu rõ, công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức chuyên trang, chuyên mục giới thiệu chính sách của Đề án 1956 trên báo, đài, hệ thống phát thanh huyện, xã. Ở địa phương, các chính sách cần được phổ biến trong các cuộc họp ở thôn, bản, khu dân cư; lồng ghép tuyên truyền trong các phiên giao dịch, hội chợ việc làm. Mỗi địa phương phải nâng cao hơn trách nhiệm của mình xuyên suốt các khâu tuyên truyền, tuyển sinh, đào tạo, việc làm. Lâu nay chính quyền xã và đoàn thể rất ít tham gia vào Đề án 1956, nhưng trong giai đoạn tiếp theo, trách nhiệm sẽ được quy về tận cấp xã là đơn vị thực hiện chủ chốt trong khảo sát, quản lý LĐNT trên địa bàn. Các hội, đoàn thể phải nắm được các chủ trương, chính sách của đề án để tuyên truyền cho hội viên, hướng dẫn họ học nghề và chịu trách nhiệm về phần hội viên của mình.

img

 Đào tạo nghề phi nông nghiệp (sữa chữa máy nông cụ) thực hành sửa máy nông nghiệp của học viên huyện Yên Lập

Bên cạnh đó, đào tạo nghề gì là giải pháp mấu chốt để các địa phương thu hút được học viên, đặc biệt là khu vực miềm núi. Theo bà Đinh Thị Hợi - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Phú Thọ có lực lượng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm không ít vì thế nên dạy những nghề phù hợp ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp thì họ mới có thể học nhanh, và sống được với nghề đã học. Đồng thời sau khi học nghề rất ít trường hợp có việc làm, nhất là nghề phi nông nghiệp vì không quen đi xa nhà để làm việc. Về lâu dài, Trung ương cũng như tỉnh cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi, như thế có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào. Cũng theo bà Hợi, đồng bào sau khi học cần nguồn vốn để xây dựng mô hình sản xuất tại gia, tự giải quyết việc làm, nhưng hiện nay mức cho vay quá ít, không xây dựng được mô hình. Nhà nước cũng cần tăng cường nguồn khuyến công tại miền núi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Đinh Văn Nho - xã Hưng Long (huyện Yên Lập) chia sẻ: Đúng là có học có hơn, bao nhiêu cái máy của bà con tưởng chừng bỏ đi đã được chúng tôi chữa được. Tuy nhiên, để theo học được nghề này thì phải có máy, chứ ai không có máy sẽ rất hành nghề được. Như vậy, có thể thấy rằng việc đưa nghề mới vào đào tạo tại các vùng nông thôn hầu như chưa có “đất” và việc giải quyết lao động khi nông nhàn chưa thực sự triệt để.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề củalao động nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề đối với các trung tâm dạy nghề công lập, trong đó ưu tiên đầu tư cho trung tâm daỵ nghề kiểu mẫu; phát triển chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; Cung cấp thông tin về các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT, các nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với việc làm hiệu quả tại địa phương để lao động nông thôn biết và lựa chọn.

Cũng theo ông San: “Hiện nay, nền kinh tế chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động, vì thế khi đào tạo, các địa phương phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để lo đầu ra cho người lao động. Cần phải bám sát mục tiêu là chỉ đào tạo khi giải quyết được đầu ra hoặc nâng cao thu nhập cho người học từ nghề đã học”.