Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông, tuần 19 (từ 06/5/2023 - 12/5/2023)

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 19 (từ ngày 06/5 đến ngày 12/5/2023).

20230515-A-1.jpg

Người dân chờ làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội

- Giảm tình trạng “ùn tắc” trong cấp phiếu lý lịch tư pháp qua kênh bưu chính. Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bưu điện tỉnh triển khai dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các điểm bưu cục trong toàn tỉnh nhằm giảm tình trạng ùn tắc trong tiếp nhận hồ sơ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối với hệ thống cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (do Bộ Tư pháp quản lý) với một số dịch vụ bưu chính, người dân có thể xem về lộ trình xử lý ngay trên phần mềm được cung cấp.

- Đưa nông sản lên sàn TMĐT Postmart.vn: Hướng mới cho sản phẩm OCOP, khởi nghiệp. Khi tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn thì các chủ thể sản phẩm OCOP, khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tìm hướng đi mới cùng giải pháp hữu hiệu để chuyển mình thích nghi với thị trường. Sự hỗ trợ của chính quyền cũng là trợ lực giúp họ chuyển hướng hiệu quả. Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Bưu điện Quảng Nam, thực hiện kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bưu điện Quảng Nam đã chủ động kết nối với nhà cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng miền và đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn 131 chủ thể, cơ sở sản xuất với 226 sản phẩm góp phần phát triển kinh tế địa phương.

- Thái Nguyên: Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Thái nguyên cho biết: Thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 phát triển mới trên 800 trạm thu phát sóng 5G; mạng thông tin di động 5G phủ sóng tại 100% các khu trung tâm hành chính cấp xã, các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch trọng điểm; tốc độ kết nối băng rộng di động đạt 100Mbps; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 70%... Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông di động hiện tại; hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm các ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới trên nền viễn thông di động để phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh 
 
- Đồng Tháp ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2023. Theo đó, đối với phát triển kinh tế số, kế hoạch đề ra mục tiêu có trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; hỗ trợ ít nhất 50 trải nghiệm các nền tảng chuyển đổi số. Đối với phát triển xã hội số, kế hoạch đề ra mục tiêu tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; trên 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; 40% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản… 
 
- Công bố hoạt động ứng dụng Chính quyền số Bình Dương. Ứng dụng "Chính quyền số Bình Dương" là kênh tiếp nhận và tạo thuận lợi cho công chức, viên chức trong xử lý các dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị, tra cứu và khai thác các thông tin dữ liệu kịp thời. Ứng dụng này giúp thay đổi thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng thiết bị di động để xử lý công việc, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian trong thực hiện nhiệm vụ được giao
 
- Chuyển đổi số không thể vá víu. Khi khảo sát thực trạng chuyển đổi số ở cấp xã, chủ tịch một xã ở H. Bình Chánh (TP.HCM) thẳng thắn chỉ ra cách làm chắp vá là nguyên nhân chính kìm hãm tiến trình này. Vì chắp vá nên công chức hổng kiến thức nền tảng, may mắn thì tròn vai, còn không thì được chăng hay chớ. Không chỉ tại TP.HCM, việc CĐS tại nhiều tỉnh, thành cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Từ thực tiễn này, nhiều nơi đề xuất cần có mạng lưới chuyên gia tư vấn CĐS để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ CĐS trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; phải đào tạo có hiệu quả cho cán bộ, công chức về khả năng sử dụng công nghệ thông tin nói chung, CĐS nói riêng... trong CĐS, khâu yếu nhất vẫn là con người. Vậy nên việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về CĐS cho cán bộ, công chức là việc cần làm ngay./.