Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Quảng Bình

Tiếp theo chương trình công tác thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 13/5/2023, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Quảng Bình có các đồng chí: Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan.

2023513-m17.JPG

Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, với việc triển khai đồng bộ và tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong các tháng đầu năm 2023, KT- XH của tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: GRDP Quý I/2023 tăng 8,34% so với cùng kỳ, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 3/19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 (là địa phương thứ 9 trên toàn quốc được phê duyệt quy hoạch tỉnh), là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành thống nhất trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 4 tháng đầu năm, Quảng Bình đã cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký cho 212 DN với số vốn đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng, tương đương về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 8.311 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 109.200 tỷ đồng.

Về đầu tư từ ngân sách, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đến hết tháng 4/2023 thực hiện gần 840 tỷ đồng, đạt 15,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 06 dự án đầu tư trong nước (các dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất) với tổng vốn đầu tư gần 180 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư 03 dự án có nhà ở, đất ở với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; tiếp nhận 02 dự án NGO với tổng vốn cam kết viện trợ gần 190.000 USD. Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp hạng 48/63 tỉnh, tăng 9 bậc so với năm 2021.

Về xuất - nhập khẩu 4 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2022, hàng hóa XNK, quá cảnh tăng về số lượng tờ khai và trị giá, giảm về khối lượng hàng hóa; lưu lượng phương tiện xuất nhập cảnh tăng mạnh. Hàng hóa quá cảnh vẫn chiếm tỷ lệ lớn (80% về trị giá, 46% về khối lượng). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và Dự án Nhà máy xi măng Quảng Phúc dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu từ quý II và quý IV năm 2023.

Theo báo cáo, hiện tại Quảng Bình còn có một số khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, trong thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng và xuất khẩu…

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Quảng Bình đã nêu một số kiến nghị đối với Bộ TT&TT và Đoàn công tác, trong đó có việc chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, bảo đảm chất lượng mạng băng rộng đến với từng thôn, bản, khu tập trung dân cư ở các vùng khó khăn. Đồng thời, sớm triển khai chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua, sử dụng điện thoại thông minh.

2023513-m16.JPG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc

Tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ cung cấp nội dung, chương trình và phân cấp quyền khai thác, sử dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One Touch) cho các tỉnh, thành phố để có thể chủ động tổ chức nhanh, rộng việc tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng, người lao động trong doanh nghiệp và người dân để triển khai thực hiện tốt Đề án 146.

Đối với các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh đề nghị sớm triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan ngành dọc ở địa phương tổ chức kết nối, khai thác, sử dụng các dịch vụ dữ liệu số chuyên ngành có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); rà soát loại trừ các dịch vụ dữ liệu số đặc thù mà các địa phương không thể sử dụng (chỉ dành riêng cho Bộ, ngành Trung ương) để chấm điểm DTI tỉnh, thành phố ở hạng mục Chính quyền số.

Hệ thống hóa các loại thông tin, số liệu thống kê để báo cáo Chính phủ, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để hình thành nguồn thông tin, số liệu tập trung, chính xác ở Trung ương và chia sẻ cho các địa phương (3 cấp tỉnh, huyện, xã) khai thác, sử dụng trong đánh giá, xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch chuyển đổi số.

Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước chi hỗ trợ thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ để các tỉnh, thành phố có đủ căn cứ triển khai thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, buổi làm việc đã bảo đảm hiệu quả, đề cập nhiều vấn đề cụ thể. Đại diện 11 Bộ, ngành đã trao đổi những vấn đề tỉnh quan tâm, trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ khi Tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc và cả trong thời gian tới.

2023513-m15.JPG

Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trình bày báo cáo tại buổi làm việc

Tựu trung trong 3 buổi làm việc với 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Bộ trưởng cho biết ngôn ngữ trung ương, địa phương còn có sự khác nhau, có thể có cách hiểu khác nhau. Có một số văn bản như Luật, Nghị định chưa đi kèm với hướng dẫn. Vì thế các địa phương khó tìm hiểu được thấu đáo, nắm rõ bản chất của quy định để tự tin thực hiện, vận dụng linh hoạt vào thực tiễn. Hiểu tinh thần của các quy định, có lý luận đi cùng thì mới xử lý được các tình huống, dễ thực hiện hơn rất nhiều. Thậm chí cần phải thêm các hướng dẫn.

Theo Bộ trưởng, đây là nhiệm vụ của các Sở. Các Sở phải hiểu, phải bám sát nghiên cứu các chính sách, quy định của Bộ chuyên ngành để vận dụng linh hoạt và đề nghị được cung cấp tài liệu để nghiên cứu thực hiện.

Một số ý kiến về sửa đổi thể chế, Đoàn công tác đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ để thúc đẩy sửa đổi nhanh các Nghị định, Thông tư.

Một số đề xuất xác đáng của các tỉnh, trong đó có tăng đầu tư, nguồn lực cho địa phương sẽ được Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Các tỉnh đặt nhiệm vụ phát triển hạ tầng thì hạ tầng phải đi trước nhưng hiện nay hạ tầng có thêm nhiều hạ tầng mới. Ngoài hạ tầng giao thông còn có hạ tầng xanh, hạ tầng số, điện, năng lượng mới cần được đầu tư. Đầu tư hạ tầng số không tốn kém và có thể làm nhanh, đi trước. Xây dựng hạ tầng số là thúc đẩy phát triển kinh tế số. Hạ tầng giao thông là rất lớn nên chủ yếu là đầu tư công khó. Các tỉnh cần chú ý phát triển các hạ tầng khác dễ hơn.

Về tăng trưởng kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho biết, hiện nay là thời 4.0 có nhiều đột phá, mang tính cách mạng và là thuận lợi. Các tỉnh còn có khó khăn thì càng có ý chí vươn lên mạnh mẽ, không có gì để mất, không ngại làm cái mới. Đây là cơ hội cho các tỉnh, quan trọng là nhìn ở góc độ mới, tiếp cận mới thì thường chưa có ai làm./.