Đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 12/5/2023, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

2023512-huy001.JPG

Toàn cảnh buổi làm việc

Ngày 24/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phân công các đồng chí là Thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với các địa phương để nắm bắt tình hình, các khó khăn, vướng mắc, làm rõ các nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu làm việc là nhìn thấy bức tranh toàn quốc, bức tranh thật, vì đi trực tiếp trao đổi thì hơn là văn bản. Ngoài tháo gỡ một số khó khăn cụ thể thì cũng mong muốn tìm ra một số vấn đề lõi, một số giải pháp có tính đột phá để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đoàn công tác làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế có đại diện của 11 Bộ, Ngành: Ngoại giao, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông, Y tế, Thông tin và Truyền thông.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo với Đoàn công tác về tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 04/2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế và tình hình bất ổn chính trị thế giới; ngoại trừ một số ngành sản xuất như bia, chế biến thủy hải sản, gạch ốp lát,... đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhờ phát huy được thị trường tiêu thụ và năng lực mới tăng thêm; nhìn chung đa số các ngành sản xuất còn lại như dệt may, dăm gỗ, xi măng,... đều gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng nên sản lượng giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp trong 04 tháng đầu năm 2023.

2023512-huy002.JPG

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại buổi làm việc

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 4/2023 ước tăng 1,34% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến 30/4/2023, có 268 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.424,068 tỷ đồng, giảm 9,7% về lượng và giảm 62,44% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 150 doanh nghiệp, giảm 123 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 311 doanh nghiệp, tăng 07 doanh nghiệp; giải thể 47 doanh nghiệp, tăng 03 doanh nghiệp.

07 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.100,8 tỷ đồng (trong đó 04 dự án FDI với vốn đăng ký 26,5 triệu USD); thu hồi 01 dự án FDI với vốn đăng ký 34,5 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 346,1 triệu USD, giảm 10,10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 239,33 triệu USD, giảm 1,03%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 106,76 triệu USD, giảm 25,04% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu này chúng ta phải duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,5-7,5%. Quý 1/2023, tăng trưởng GDP cả nước là 3,3%. Đây là mức thấp. Tỉnh đang tập trung vào các lĩnh vực có đóng góp lớn vào phát triển, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng, tức là đang tăng trưởng nhanh.

Tại buổi làm việc, Tỉnh cũng đã thông tin về các khó khăn, vướng mắc; kiến nghị của tỉnh tập trung vào các nhóm: Một là các dự án đầu tư, xây dựng (liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, tạm ứng vốn, nghiệm thu, quy hoạch, phòng cháy); Hai là về chính sách tín dụng (liên quan đến vay vốn, hạn mức tín dụng, giãn nợ); Ba là về các chính sách thuế, phí (liên quan đến hoàn thuế, miễn giảm thuế); Bốn là về thị trường (liên quan đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, thị trường nguyên vật liệu thiếu, biến động giá cả); Năm là vấn đề lao động (giấy phép lao động, visa xuất nhập cảnh). Ngoài ra là các vấn đề khác.

2023512-huy003.JPG

Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo với Đoàn công tác

Một số vấn đề của Tỉnh đã được các Bộ, Ngành giải thích, hướng dẫn. Tỉnh có thể đẩy mạnh triển khai ngay. Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ, Ngành, nhưng vừa qua còn có cái chậm, sau cuộc họp này, các Bộ, Ngành liên quan đã rõ việc của mình và sẽ xử lý nhanh hơn.

Một số nội dung liên quan đến sửa đổi thể chế, một số đề xuất mang tính chính sách của tỉnh, một số kiến nghị về tăng đầu tư, tăng nguồn lực cho tỉnh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trên cơ sở buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Tỉnh sửa lại báo cáo cho gọn hơn, rõ ý hơn, tập trung vào những vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ để phát triển. Mạnh dạn đề xuất các giải pháp có tính chính sách, thể chế, có tính vĩ mô, lâu dài để Trung ương xem xét và gửi ngay về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Có thể gửi nhanh bằng email.

Cuối cùng, Bộ trưởng thay mặt Đoàn công tác trân trọng cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo cho buổi làm việc, mặc dù thời gian gấp. Bộ trưởng chúc tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững./.