Nguy cơ trẻ bị dụ dỗ trên Internet ngày càng cao

Nguy cơ trẻ bị dụ dỗ trực tuyến càng cao nếu trẻ và gia đình không có những kiến thức về vấn đề này.

 Trong thời đại số, trẻ em được tiếp cận và sử dụng mạng xã hội, chơi game trực tuyến nhiều hơn so với trước đây. Từ đó, trẻ có thể kết nối bạn bè với đủ loại người thông qua các kênh trực tuyến đó, những người mà có thể đang nói dối về bản thân mình với trẻ. Nguy cơ trẻ bị dụ dỗ trực tuyến càng cao nếu trẻ và gia đình không có những kiến thức về vấn đề này.

Dụ dỗ trực tuyến có thể dẫn đến việc trẻ nghe lời kẻ bên kia màn hình, tương tác với những hình ảnh khiêu dâm, đồi truỵ, hoặc trẻ tự gửi ảnh của bản thân. Thậm chí, những kẻ dụ dỗ trực tuyến còn có khả năng ép trẻ gặp mặt trực tiếp. Do đó, việc cha mẹ cần trao đổi với trẻ về những người bạn trực tuyến khá quan trọng. Dưới đây là một số thông tin mà cha mẹ cần nắm bắt trước khi giáo dục cho trẻ về dụ dỗ trực tuyến.

20230509-pg9.jpg

Các phương thức dụ dỗ của tội phạm mạng

Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, các thủ đoạn phạm tội của đối tượng sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em thường là xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang diễn biến rất phức tạp. Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục.

Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng. Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường; các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống riêng tư của trẻ.

Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn thông qua mạng xã hội làm quen, "núp bóng" tuyển dụng để hẹn gặp gỡ, lôi kéo, khống chế, cưỡng ép đưa trẻ em đến các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để bóc lột lao động, bóc lột tình dục.

Những kẻ dụ dỗ trực tuyến không nhất thiết phải là người lạ với trẻ. Do chỉ thông qua màn hình điện thoại hoặc máy tính, kẻ bên kia có thể là bất cứ ai. Ngoài ra, trẻ có thể không tự ý thức được bản thân mình đang bị dụ dỗ, mà chỉ nghĩ đây là một mối quan hệ thân mật mà kẻ dụ dỗ đã thuyết phục được rằng việc chia sẻ các hình ảnh nhạy cảm là một hành động bình thường của mối quan hệ này. Có đối tượng sẽ tạo dựng hình ảnh là một người trưởng thành, hoặc một người cùng giới tính để trò chuyện thân thiết, sau khi nhận được các hình ảnh nhạy cảm của trẻ sẽ lộ nguyên hình để cưỡng ép các em tiếp tục gửi thêm, buộc quan hệ tình dục, tống tiền các em.

Giải pháp của phụ huynh 

Vì vậy, cha mẹ cần hành động mạnh mẽ, đúng đắn hơn trong việc giáo dục trẻ về an toàn trên mạng. Ở các độ tuổi khác nhau và với những cá nhân khác nhau, cha mẹ nên điều chỉnh cách tiếp cận vấn đề để trẻ có thế tiếp nhận. Một số giải pháp cha mẹ có thể thực hiện như:

Cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp; Cùng trao đổi, chia sẻ vàquan trọng nhất của mọi giải pháp, hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để; Biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao; Hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp; Hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng. 

Cuối cùng, hãy gọi tổng đài 111 nếu chính cha mẹ, người chăm sóc trẻ em cảm thấy bối rối, khó giải quyết, chưa tìm được giải pháp tháo gỡ./.