Ba yếu tố cần xem xét khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bảo mật đám mây

Khi các tổ chức, doanh nghiệp (DN) di chuyển sang đám mây đang là xu hướng, việc hiểu các yêu cầu bảo mật cũng như lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ bảo mật đám mây phù hợp để giữ an toàn cho dữ liệu là một vấn đề rất quan trọng.

 Tại sao DN cần phải bổ sung thêm giải pháp bảo mật đám mây?

Mặc dù hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đều nhấn mạnh đến tính bảo mật trên đám mây, nhưng theo các chuyên gia các tổ chức vẫn cần đầu tư vào một cấp độ bảo mật bổ sung bên ngoài cho dữ liệu và khối lượng công việc của họ.

Trên thực tế, không phải lúc nào nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng cung cấp cho khách hàng của mình những công cụ cần thiết để đối phó với các nguy cơ về an ninh mạng và hầu hết các DN không nhận thức được điều này.

20230425-pg5.jpg

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây chỉ đảm bảo tính khả dụng của dịch vụ của họ. Nếu xảy ra tình trạng gián đoạn, hoặc thời gian “chết” do vấn đề của nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng có thể yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, nếu xảy ra các vi phạm dữ liệu do phần mềm độc hại hoặc các mối đe dọa mạng khác, nhà cung cấp đám mây sẽ không chịu trách nhiệm.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống, các DN cần đầu tư vào các dịch vụ bảo mật đám mây. Theo định nghĩa của IBM, bảo mật đám mây là tập hợp các quy trình và công nghệ được thiết kế để giải quyết các mối đe dọa bên ngoài và bên trong đối với bảo mật DN. Điều này là rất cần thiết khi các tổ chức, DN thực hiện chiến lược chuyển đổi số và kết hợp các công cụ cũng như dịch vụ dựa trên đám mây như một phần cơ sở hạ tầng của họ.

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày càng có nhiều DN hiện đại chuyển đổi sang môi trường đám mây và các mô hình điện toán như IaaS (Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ), Paas (Nền tảng dưới dạng dịch vụ) hoặc SaaS (Phần mềm dưới dạng dịch vụ).

Khi các môi trường đám mây ngày càng được kết nối với nhau, việc duy trì một vành đai an toàn cũng trở nên khó khăn. Không chỉ bề mặt tấn công tiềm năng có thể tăng lên, mà một DN bị tấn công phạm cũng có thể khiến dữ liệu bị xâm phạm cả trên đám mây và tại chỗ.

Đặc biệt, trong bối cảnh kỹ thuật số tiếp tục phát triển, các mối đe dọa bảo mật cũng ngày càng trở nên tiên tiến và tinh vi hơn. Những mối đe dọa này nhắm mục tiêu rõ ràng đến các nhà cung cấp điện toán đám mây do thiếu khả năng hiển thị tổng thể trong việc truy cập và di chuyển dữ liệu của DN.

Do đó, nếu không thực hiện các bước tích cực để cải thiện bảo mật đám mây của mình, các tổ chức có thể gặp rủi ro nghiêm trọng về quản trị và tuân thủ khi quản lý thông tin khách hàng, bất kể thông tin đó được lưu trữ ở đâu.

Thông thường, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đều tuân theo các biện pháp bảo mật tốt nhất và thực hiện các bước tích cực để bảo vệ tính toàn vẹn của máy chủ của họ. Tuy nhiên, các tổ chức, DN cũng cần cân nhắc đến phương án bổ sung thêm các biện pháp bảo mật phù hợp khi bảo vệ dữ liệu, ứng dụng và khối lượng công việc chạy trên đám mây.

Theo báo cáo bảo mật đám mây năm 2022 của CheckPoint, 76% DN hiện đang sử dụng hai nhà cung cấp đám mây trở lên. 35% tổ chức có hơn 50% khối lượng công việc của họ trên đám mây, trong khi 29% cho biết họ dự đoán con số này sẽ tăng lên tới 75% trong 12 - 18 tháng tới.

Có những loại giải pháp bảo mật đám mây nào?

Quản lý danh tính và quyền truy cập (IAM)

Các công cụ và dịch vụ quản lý danh tính và quyền truy cập (IAM) cho phép DN triển khai các giao thức thực thi dựa trên chính sách cho tất cả người dùng truy cập dịch vụ tại chỗ và dịch vụ trên nền tảng đám mây. Chức năng cốt lõi của IAM là tạo danh tính kỹ thuật số cho tất cả người dùng, hỗ trợ quản lý danh tính điện tử (ghi lại và quản lý danh tính người dùng và các quyền truy cập của họ) để DN có thể chủ động theo dõi cũng như hạn chế khi cần thiết trong tất cả các tương tác dữ liệu.

Ngăn ngừa mất dữ liệu (DLP)

Dịch vụ ngăn ngừa mất dữ liệu (DLP) cung cấp một bộ công cụ và dịch vụ được thiết kế để đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu đám mây được quản lý. Các giải pháp DLP sử dụng kết hợp các cảnh báo khắc phục, mã hóa dữ liệu và các biện pháp phòng ngừa khác để bảo vệ tất cả dữ liệu được lưu trữ, dù ở trạng thái nghỉ hay đang chuyển động.

Quản lý sự kiện và thông tin bảo mật (SIEM)

Quản lý sự kiện và thông tin bảo mật (SIEM) cung cấp giải pháp điều phối bảo mật toàn diện giúp tự động hóa việc giám sát, phát hiện và phản hồi mối đe dọa trong môi trường dựa trên đám mây. Sử dụng các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để tương quan dữ liệu nhật ký trên nhiều nền tảng và tài sản kỹ thuật số, công nghệ SIEM mang đến cho các nhóm CNTT khả năng áp dụng thành công các giao thức bảo mật mạng của họ đồng thời có thể phản ứng nhanh với mọi mối đe dọa tiềm ẩn.

Các giải pháp SIEM tăng cường khả năng phát hiện mối đe dọa, tuân thủ và quản lý sự cố bảo mật, thông qua việc thu thập và phân tích các nguồn, dữ liệu sự kiện bảo mật lịch sử và thời gian thực.

Các khả năng chính của SIEM cung cấp một loạt các thu thập và quản lý sự kiện nhật ký, tăng khả năng phân tích các sự kiện nhật ký và dữ liệu khác trên các nguồn khác nhau và khả năng hoạt động bao gồm quản lý sự cố, bảng điều khiển và báo cáo.

Hoạt động liên tục và khắc phục sự cố

Bất kể các tổ chức đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa như thế nào cho cơ sở hạ tầng tại chỗ và trên nền tảng đám mây, thì việc vi phạm dữ liệu và mất điện gây gián đoạn vẫn có thể xảy ra. Các DN phải có khả năng phản ứng nhanh với các lỗ hổng mới được phát hiện hoặc sự cố hệ thống nghiêm trọng càng sớm càng tốt.

Các giải pháp khôi phục sau sự cố là một yếu tố chính trong bảo mật đám mây và cung cấp cho các tổ chức các công cụ, dịch vụ và giao thức cần thiết để đẩy nhanh quá trình khôi phục dữ liệu bị mất và tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường.

Ba yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bảo mật đám mây

Để đảm bảo dữ liệu được bảo mật tốt trên đám mây, các nhà cung cấp bảo mật đám mây cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ cho DN. Tuy nhiên, việc lựa chọn đúng được nhà cung cấp dịch vụ bảo mật đám mây cũng có thể là một thách thức lớn. Dưới đây là ba yếu tố mà các tổ chức nên cân nhắc khi chọn nhà cung cấp bảo mật đám mây.

Đầu tiên, các tổ chức, DN cần chọn một nhà cung cấp dịch vụ bảo mật đám mây không chỉ bảo mật dữ liệu mà còn có thể cung cấp khả năng sao lưu và phục hồi. Khi một công ty bị vi phạm, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật chỉ có thể cung cấp cảnh báo vi phạm và báo cáo sự cố. Không phải tất cả các nhà cung cấp đều có thể cung cấp dịch vụ sao lưu và phục hồi.

Theo đó, các tổ chức cần đảm bảo khả năng sao lưu và khắc phục sự cố được cập nhật và có thể được truy cập ngay lập tức nếu chúng bị vi phạm. Do đó, DN cần làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật có thể cung cấp tính năng sao lưu không thể thay đổi (bản sao của tệp và dữ liệu không thể thay đổi hoặc giả mạo trong một khoảng thời gian định sẵn) cũng như các tùy chọn khôi phục đơn giản và dễ hiểu.

Tiếp theo, các tổ chức, DN có thể cân nhắc hợp tác với các nhà cung cấp bảo mật đám mây có trách nhiệm chung khi nói đến an ninh mạng. Bằng cách này, công ty có thể thêm các tính năng bảo mật bổ sung dựa trên khả năng của nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Đồng thời, các DN cũng có thể đầu tư vào một mức độ bảo mật bổ sung nào đó, chẳng hạn như quản lý danh tính và quyền truy cập, quản lý quyền truy cập đặc quyền hoặc phân đoạn mạng.

Cuối cùng, các tổ chức cần có một nhà cung cấp bảo mật đám mây có thể cung cấp thông tin bảo mật và quản lý sự kiện hoặc giải pháp SIEM để tăng cường khả năng phát hiện mối đe dọa, tuân thủ và quản lý sự cố bảo mật./.