Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Ngày 06/4/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này, có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật.

20230407-ta4.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, việc bổ sung quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, từ các phân tích về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về GDĐT và chữ ký số đã nêu, quy định thẩm quyền phân công cụ thể tổ chức cung cấp chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ nên giao Chính phủ.

20230407-ta5.jpg

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Về đối tượng điều chỉnh, các ý kiến đại biểu cho rằng quy định trong dự thảo Luật còn quá rộng nhưng lại hạn chế phạm vi tại luật chuyên ngành quy định là rất khó khả thi. Thực tế hiện nay, chỉ một số lĩnh vực, thủ tục đã được thực hiện giao dịch điện tử; nhiều lĩnh vực vẫn còn khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành, con người trong quá trình triển khai thực hiện.

20230407-ta6.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật

Nhấn mạnh đây là đạo luật rất khó nhưng được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, rất nhiều nội dung đại biểu góp ý đã được chỉnh lý, bổ sung, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng đây cũng là đạo luật quan trọng đối với chuyển đổi số, do vậy đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

20230407-ta7.jpg

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Xác định được giá trị pháp lý của giao dịch điện tử

Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng. Bộ trưởng cũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, chữ ký điện tử.

20230407-ta8.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Về xử lý vi phạm, tranh chấp, Bộ trưởng cho biết, chế tài xử lý vi phạm sẽ quy định ở Nghị định của Chính phủ. Việc xử lý tranh chấp thì quy định ở pháp luật chuyên ngành. Về cung cấp dịch vụ tin cậy, Bộ Thông tin và Truyền thông không cung cấp dịch vụ mà chỉ cấp phép, ban soạn thảo sẽ xem xét lại các điều khoản để không bị hiểu nhầm.

20230407-ta9.jpg

Tổ soạn thảo dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trong thời gian tới, trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo, chú trọng rà soát ngôn ngữ diễn đạt cho trong sáng, đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề nếu có, để Chính phủ có ý kiến chính thức báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.

Làm rõ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp và sẽ có báo cáo giải trình cụ thể từng vấn đề.

Trên cơ sở ý kiến chính thức của Chính phủ bằng văn bản cùng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện một bước dự thảo luận trước khi xin ý kiến các Đoàn biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là luật chuyên ngành khó, chuyên môn cao, nhiều thuật ngữ và khái niệm mới. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan. Đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp ý kiến thảo luận, có báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, gửi đến cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật, có văn bản xin ý kiến Chính phủ về dự án luật, trong đó nêu rõ các nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau, dự kiến phương án tiếp thu, giải trình; đề nghị Chính phủ có ý kiến trả lời bằng văn bản, thể hiện rõ quan điểm, nhất là những nội dung khác so với bản Chính phủ đã trình. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, đảm bảo chất lượng, đầy đủ hồ sơ, đúng thời gian theo quy định./.