Bắc Ninh: Vẫn còn địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân

Hệ thống Phản ánh kiến nghị tỉnh Bắc Ninh đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân trên thiết bị di động, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực điều hành cấp tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức.

Hệ thống Phản ánh kiến nghị tỉnh Bắc Ninh được đi vào vào vận hành trong thời gian qua đã cải thiện đáng kể mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền, tạo sự đồng thuận trong dân, được các cấp, ngành Trung ương ghi nhận và đánh giá cao; coi đây như một sáng kiến chuyển đổi số có hiệu quả với tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Nghị quyết số 52, ngày 18/3/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đưa ra mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân”. Đây là một trong những chỉ tiêu chuyển đổi số quan trọng, được đo lường thường xuyên trong đánh giá chuyển đổi số của các cấp, ngành và địa phương.  

z4084062398636-4dd5b-16756567243011082008117-0-0-675-1080-crop-16756567485241333587460.jpg

Đến nay, hệ thống Phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động tiếp nhận và xử lý được hơn 3.700 phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, sự cố cây xanh… Tỷ lệ xử lý đạt gần 90%. Người dân trong tỉnh đồng thuận ủng hộ, đánh giá cao tính ưu việt của hệ thống, bởi kể từ khi triển khai, họ dễ dàng trình bày với chính quyền các vấn đề bức xúc nảy sinh xung quanh khu vực sinh sống. Nhiều phản ánh kiến nghị được các đơn vị, địa phương giải quyết dứt điểm ngay trong ngày, chậm chí chưa đến 1 giờ. Nhờ đó, các vấn đề nhức nhối, bất cập tại địa phương giảm hẳn so với trước đây.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương, đơn vị quyết liệt, kịp thời trong việc giải quyết các phản ánh kiến nghị, mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp theo đúng Quy chế “Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị trên ứng dụng Phản ánh kiến nghị tỉnh Bắc Ninh” đã được UBND tỉnh ban hành. Một số phản ánh của người dân gửi lâu ngày nhưng không được giải quyết kịp thời, còn tồn đọng trong thời gian dài, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Cụ thể là các phường: Võ Cường, Đáp Cầu, Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh); phường Tam Sơn, Đồng Nguyên (thành phố Từ Sơn); phòng Quản lý đô thị (thành phố Từ Sơn); phòng Quản lý đô thị, phòng Tài nguyên và Môi trường (thành phố Bắc Ninh); Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh…

Để tiếp tục phát huy tác dụng việc sử dụng hệ thống Phản ánh kiến nghị, tăng chỉ số hài lòng của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần quyết liệt hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nêu tinh thần trách nhiệm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức gửi lên hệ thống. Đối với phản ánh có nội dung phức tạp, đặc thù, chưa thể xử lý ngay, cơ quan, đơn vị xử lý phản ánh phải có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời phản hồi ý kiến của người dân. Với những phản ánh kiến nghị không thuộc thẩm quyền thì người đứng đầu địa phương, đơn vị chuyển tiếp phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền xử lý và ghi rõ lý do chuyển tiếp./.