Những khó khăn trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thời gian qua, Hải Dương đẩy mạnh triển khai thực hiện giải quyết trực tuyến các dịch vụ công thiết yếu của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các loại hình dịch vụ này. 

Chưa thạo công nghệ

Sáng 8.12, sau khi thu xếp việc nhà xong, bà Nguyễn Thị Lãi (62 tuổi, ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Sơn, Tứ Kỳ) đến Bộ phận "một cửa" của địa phương để làm giấy khai sinh cho cháu. Lý do bà phải đi làm việc này là bố cháu bận đi làm, mẹ cháu vừa mới sinh nên không đi được. Bà Lãi mang theo đầy đủ các giấy tờ liên quan như sổ hộ khẩu, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận kết hôn của hai vợ chồng người con, giấy tờ tùy thân của mình. Bà Lãi có điện thoại thông minh nhưng chưa tải ứng dụng và không thể thực hiện được các thao tác đăng nhập, khai báo, chụp, đẩy các giấy tờ liên quan vào ứng dụng. Do đó, công chức tư pháp - hộ tịch của xã phải tiếp nhận trực tiếp toàn bộ hồ sơ của bà Lãi và tiến hành số hóa rồi đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

20221225-m13-dcv.jpg

Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Văn Huấn, công chức tư pháp - hộ tịch xã Đại Sơn chia sẻ: "Trường hợp của bà Lãi, nếu bố mẹ cháu trực tiếp đi làm thì qua sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách sẽ tự nộp được hồ sơ trực tuyến. Với người thông thạo, các bước đăng nhập, khai, nộp hồ sơ hoàn toàn có thể thực hiện được ở nhà".

Hiện nay, người đi giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận "một cửa" các cấp đa số là người trung và người cao tuổi. Người trẻ bận đi làm nên thường nhờ bố mẹ đi làm hộ. Theo chị Bùi Thị Thương, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cẩm Giàng, phần lớn người cao tuổi ít am hiểu công nghệ thông tin, thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cán bộ lại phải tiếp nhận bằng hình thức trực tiếp rồi nhập thông tin vào các cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia.

Không chỉ ở nông thôn mà ngay cả ở địa bàn TP Hải Dương, người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Theo Công an phường Thanh Bình, thời gian qua, người dân đến làm các dịch vụ công thiết yếu của ngành thì chỉ có khoảng 40% có điện thoại thông minh và trong số này chỉ có 25% có thể thực hiện được việc tải, đăng nhập, nộp hồ sơ trực tuyến trên các ứng dụng. Cho nên, hiện nay để tiếp nhận, giải quyết trực tuyến được một hồ sơ mất thời gian gấp từ 2 - 3 lần so với tiếp nhận trực tiếp. Những lúc người dân đến làm thủ tục đông, cán bộ tiếp nhận hồ sơ rất vất vả.

Thiếu đồng bộ

Không chỉ từ phía người dân, hiện nay còn nhiều lý do khác ảnh hưởng đến việc sử dụng các dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06.

Theo phản ánh của nhiều cán bộ thực hiện việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận "một cửa" các cấp, tình trạng thường gặp là hạ tầng internet, đường truyền phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân chưa ổn định. Việc quy định số hóa (yêu cầu scan trước các tài liệu) dẫn tới khó khăn trong việc triển khai của các địa phương do đầu tư máy móc, thiết bị theo thủ tục đầu tư công phức tạp, kéo dài dẫn đến thiếu trang thiết bị thiết yếu như máy vi tính, máy in, máy scan... 

Ngoài ra, việc kết nối giữa hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu dân cư khi liên thông cấp số định danh cá nhân đối với các trường hợp sinh trước ngày 1.7.2022 thường bị chặn, báo lỗi dẫn đến công dân không thể đăng ký thường trú được (vì không có mã số định danh trong giấy khai sinh). Nguồn nhân lực để thực hiện các dịch vụ công thiết yếu cấp xã chưa được tập huấn, đào tạo sâu về sử dụng công nghệ dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý, hướng dẫn công dân hiệu quả chưa cao. Cán bộ phụ trách công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính còn kiêm nhiệm nên tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 và tỷ lệ số hoá chưa cao. Phần lớn người dân đang trong giai đoạn tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến nhưng thiếu nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin để trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn tại địa phương.

Số hoá là tiến trình không thể đảo ngược. Những khó khăn, bất cập trong giai đoạn đầu là khó tránh khỏi. Người dân và chính quyền phải cùng nhau hợp tác, tháo gỡ những khó khăn nêu trên để thúc đẩy tiến trình số hoá, vì sự tiện ích lâu dài./.

Nguồn: (Nguồn: baohaiduong.vn)