Thanh Hóa: Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Xây dựng chính quyền điện tử được xác định là khâu chiến lược, quyết định đến thành công trong tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

20221225-m12-dcv-thanhhoa.jpg 

Ảnh minh họa

Trước đây, mỗi ngày Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND huyện Quảng Xương phải ghi biên lai bằng giấy cho hàng chục người dân, thì nay các thủ tục ấy đều được trả phí qua biên lai điện tử. 100% cán bộ, công chức đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi/đến, dự thảo, xin ý kiến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% cán bộ, công chức, viên chức tại UBND huyện và UBND các xã, thị trấn được cấp tài khoản thư công vụ của tỉnh và thường xuyên khai thác sử dụng trong giao dịch công việc. Huyện Quảng Xương đã tập trung chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã đảm bảo 100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống một cửa điện tử. Trong 11 tháng năm 2022 tổng số hồ sơ trực tuyến toàn huyện là trên 5.000 hồ sơ (mức độ 3 đạt tỷ lệ 100% và mức độ 4 đạt tỷ lệ 99,88%) vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Ngoài ra, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, UBND cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương đảm bảo kết nối ổn định, thông suốt; an toàn, bảo mật thông tin; 100% cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy vi tính; 100% các đơn vị có mạng LAN, các máy tính được kết nối mạng internet băng thông rộng phục vụ công tác chuyên môn. Chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tại huyện Ngọc Lặc, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, phân công, xử lý các công việc, nhất là thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, nên hoạt động hành chính của UBND huyện được thực hiện hiệu quả hơn, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Xuân Khánh cho biết: Nhờ đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử nên việc tiếp nhận và triển khai các văn bản rất nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, vật chất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống phòng họp trực tuyến được nâng cấp và duy trì hiệu quả đảm bảo kết nối liên thông từ huyện đến tỉnh, sở, ban, ngành trong tỉnh, đến điểm cầu Trung ương và từ huyện đến cấp xã.

Thông qua việc xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Thanh Hóa đã tích hợp 26 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường mạng, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kết nối, liên thông hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cấp chính quyền. Từ đó tạo điều kiện cho Nhân dân theo dõi, giám sát và thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, tiết kiệm thời gian.

Một trong những điểm mấu chốt làm nên thành công trong xây dựng chính quyền điện tử ở Thanh Hóa chính là thông qua việc bám sát thực tế hoạt động ở cơ sở, đã xác định đúng và trúng những hạn chế nội tại về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người... từ đó làm tốt công tác tham mưu để UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo xuyên suốt, vừa giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, thay đổi tư duy và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. Nhờ đó, các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, quyết liệt tạo sự chuyển biến rõ và thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.

Năm 2022, hạ tầng ứng dụng CNTT toàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, duy trì, hoạt động ổn định; tổng số lượt trao đổi, gửi/nhận hồ sơ trực tuyến trên toàn hệ thống là: 3.024.840 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07%; ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có bước đột phá quan trọng, 100% cán bộ công chức đã xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); thực hiện liên thông văn bản 3 cấp trong tỉnh qua trục dữ liệu nội tỉnh (LGSP) ở cả khối Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị; việc gửi/nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử hằng năm ước tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao; 94/559 xã đăng ký triển khai hoàn thành chuyển đổi số...

Mặc dù quá trình triển khai chính quyền điện tử vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn lực đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực số... Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đang đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp./.

Nguồn: (Nguồn: https://baothanhhoa.vn)