Tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đã cập nhật thông tin đối với 6 loại tài sản, đã tổng hợp được thông tin về tài sản công của 99% cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

giai-the-trung-tam-du-lieu-quoc-gia-ve-tai-san-cong20211225161910.2069550.jpg

Tổng hợp thông tin về tài sản công của 555.808 đơn vị

Liên quan đến việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về tài sản công, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng, quản lý, vận hành 3 phần mềm để hình thành CSDLQG về tài sản công bao gồm: phần mềm quản lý tài sản công; phần mềm quản lý tài sản công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ.

Tính đến 31/5/2022, CSDLQG về tài sản công đã cập nhật thông tin đối với 6 loại tài sản gồm: đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản cố định khác; công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật tại CSDLQG là 6.214.097,89 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại của tài sản công đã cập nhật tại CSDLQG là 4.851.940,48 tỷ đồng.

Cho đến nay, CSDLQG về tài sản công đã tổng hợp được thông tin về tài sản công của 555.808 đơn vị, chiếm 99% các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cập nhật CSDLQG về tài sản công vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo Bộ Tài chính, CSDLQG về tài sản công vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (theo ước tính mới chỉ phản ánh được trên 5% tổng tài sản công), do đó hạn chế trong việc cung cấp số liệu để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chính sách về quản lý tài sản công. Đặc biệt, đối với tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, ngoài 4 loại tài sản lớn là đất, nhà, xe ô tô và tài sản cố định khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên, còn có các loại tài sản cố định khác có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên, tài sản xác lập sở hữu toàn dân cũng phải cập nhật vào phần mềm. Tuy nhiên, theo số liệu đã nhập vào phần mềm thì hiện nay còn chưa đầy đủ, một số dữ liệu cập nhật còn chưa chuẩn xác; CSDLQG tài sản công chuyên ngành chưa kết nối với CSDLQG về tài sản nhà nước, nhất là chưa kết nối được với CSDLQG về đất đai, tài sản hạ tầng, tài sản nhà nước tại DN, tài sản dự trữ nhà nước… Thông tin trong CSDLQG có lúc chưa đảm bảo tính kịp thời theo quy định của Nhà nước; tiến độ rà soát, chuẩn hóa dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, dữ liệu hiện có trên phần mềm chưa được chuẩn hóa về danh mục địa bàn, hiện trạng sử dụng, phân loại nhóm tài sản theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.

Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về tài sản công

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công có phạm vi rộng, giá trị lớn; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi, quản lý, hạch toán và kê khai đăng ký biến động về tài sản công vào CSDLQG; hệ thống bộ máy tổ chức và công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công còn mỏng, kiêm nhiệm dẫn đến chưa triển khai đầy đủ công tác quản lý; có sự thay đổi công chức quản trị phần mềm làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng số liệu cập nhật trong CSDLQG. Về nguyên nhân, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết thêm, do mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc nhập thông tin vào CSDLQG về tài sản công không đúng. Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, tới đây, Cục Quản lý công sản có kế hoạch tổ chức kiểm tra một số bộ, địa phương về việc đăng nhập, chuẩn hóa số liệu trên CSDLQG về tài sản công. Cùng với đó, nhằm hoàn thiện chính sách, tạo cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác phần mềm Quản lý tài sản công, hiện Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công thay thế Thông tư 184/2014/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước.

Để tiếp tục hoàn thiện CSDLQG về tài sản công, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến việc tính hao mòn, khấu hao đối với tài sản cũng như các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về tài sản công; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện báo cáo kê khai, nhập, duyệt, chuẩn hóa, khai thác dữ liệu; quy định việc sử dụng thông tin số, báo cáo số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành về tài sản công; đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong CSDLQG về tài sản công đảm bảo chính xác cũng như thực hiện cập nhật đầy đủ số lượng về tài sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công theo hướng nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ thuộc hệ thống CSDLQG về tài sản công cũng như từng bước hoàn thiện hệ thống kho CSDLQG về tài sản công để quản lý cả các tài sản khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm, bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực nhằm chủ động đáp ứng được công việc...

Nguồn: Báo Hải quan