Tăng cường phát triển mô hình trồng trọt công nghệ cao ở huyện Sơn Dương

Những năm qua, huyện Sơn Dương đẩy mạnh tăng cường phát triển mô hình trồng trọt công nghệ cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.

u19_2.jpg

Theo Thạc sỹ Hà Lê Bình – Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ tỉnh Tuyên Quang, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Đổi mới khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung, huyện Sơn Dương nói riêng đã xuất hiện khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người nông dân thoát bền vững.  

Đơn cử như mô hình trồng sa chi của HTX nông nghiệp Lương Thiện, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương đang cho hiệu quả vượt trội, không chỉ về kinh tế mà còn góp bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, năm 2019 HTX bắt đầu triển khai trồng cây sa chi với diện tích 3 ha có 16 hộ tham gia, với mật độ trồng khoảng 85 gốc/sào Bắc bộ. Đến nay, diện tích sa chi cho thu hoạch với năng xuất trung bình mỗi cây đạt 3kg hạt khô/năm với giá bán giao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, hạt hô, mỗi sào cây sa chi cho thu hơn 12 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần so với trồng lúa.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo mối liên kết giữa HTX, doanh nghiệp với nông dân, xã Tân Trào đã đưa cây dưa chuột vào trồng thử nghiệm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.... Gia đình chị Ma Thị Nghiệp, thành viên liên kết của HTX Minh Tâm, là 1 trong 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm mô hình trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo chị Nghiệp, trước đây diện tích đất của gia đình chị trồng lúa 2 vụ. Tháng 8/2020, chị được HTX Minh Tâm vận động chuyển đổi sang trồng cây dưa chuột. Tham gia mô hình, gia đình chị được hỗ trợ bao tiêu 100% sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu của HTX và đối tác tiêu thụ, chị Nghiệp áp dụng quy trình canh tác theo chuẩn hữu cơ, với những điều kiện khắt khe trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian. Ưu tiên các hợp chất vi sinh, hữu cơ, thân thiện môi trường. Các loại rác thải, bao bì, chai lọ nhựa phát sinh trong quá trình canh tác được chị Nghiệp cùng các hộ tham gia mô hình trồng dưa chuột xã Tân Trào thu gom, xử lý đúng quy định để tránh gây ô nhiễm.

Cạnh đó, mô hình trồng cà gai leo tại xã Hợp Hòa, Sầm Dương với diện tích hơn 30 ha; mô hình trồng cây sa chi tại xã Lương Thiện với diện tích 3 ha; mô hình trồng cây hương nhu tại xã Tú Thịnh với quy mô 18 ha…

Sự thay đổi về phương thức sản xuất của người nông dân, cùng sự đồng hành của địa phương, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đang tạo lực đẩy cho ngành trồng trọt huyện Sơn Dương phát triển. Theo dự kiến huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, khoa học – kỹ thuật giúp người nông dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành các mô hình trồng trọt có ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Sơn Dương cũng chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết các hộ nông dân nhằm nâng cao năng lực sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp đối tác hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, từ đó tạo điểm tựa vững chắc cho các hộ bứt lên, thoát nghèo, làm giàu.

Thạc sỹ Hà Lê Bình – Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam chia sẻ: “Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, huyện Sơn Dương tiếp tục cần có sự quan tâm của các cấp, các nghành, các cơ quan chuyên môn trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản”.