Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển đổi số

Hết năm 2021, cả nước có 4.667 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó có nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại…

u14.jpeg

Hơn 4.500 HTX ứng dụng công nghệ cao

Liên minh HTX Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2021, kinh tế tập thể Việt Nam có bước phát triển mạnh 27.394 HTX, 108 Liên hiệp HTX, 119.710 tổ hợp tác, trong đó HTX thu hút gần 9.4 triệu thành viên và lao động; tổ hợp tác thu hút 1,39 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1,11 triệu lao động. Số lượng HTX tăng 16.420 HTX (khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, số thành viên HTX tăng 465.603 người (khoảng 9%) so với năm 2001.

Trong giai đoạn 2001 - 2021, số lượng HTX thành lập mới là 37.810 HTX, giải thể khoảng 21.390 HTX. Trong đó, giai đoạn 2001 - 2011 thành lập mới 11.640 HTX, giải thể 6.080 HTX; giai đoạn 2012 - 2021 thành lập mới 26.170 HTX, giải thể 15.310 HTX. Có thể thấy, thời gian trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm.

Nếu như giai đoạn 2001 - 2011 trung bình chỉ có 1.164 HTX thành lập mới mỗi năm thì đến giai đoạn 2012 - 2021 trung bình có 2.617 HTX thành lập mới mỗi năm (tăng gấp 2,24 lần).

“Hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2021 tăng lên so với thời điểm năm 2001. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2021 đạt 2.657 triệu đồng/HTX, tăng 1.644 triệu đồng (gấp khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 1.039,34 triệu đồng/năm năm 2001 lên 1.765 triệu đồng/năm năm 2021, tăng 726 triệu đồng (khoảng 70%) so với năm 2001; chiếm khoảng 66,5% trong doanh thu bình quân của 1 HTX”, Liên minh HTX Việt Nam thông tin.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2021, cả nước có 4.667 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 17% tổng số HTX; nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại; các Quỹ tín dụng nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX ứng dụng công nghệ cao còn thấp.

Năm 2021, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam của Anh triển khai khảo sát 153 HTX tại 3 tỉnh thành nhằm đánh giá thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của các HTX nông nghiệp về khả năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

Năm 2022, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp Viện Rosa - Luxemburg của Đức khảo sát 160 HTX, 240 người lao động và thành viên tại 12 tỉnh thành về Tác động và khả năng phục hồi sau đại dịch Covid 19, trong đó có khảo sát về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.

Theo kết quả nghiên cứu, về nhu cầu ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, HTX đánh giá mức độ quan trọng của việc áp dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt đông quản lý điều hành như sử dụng máy vi tính, phần mềm kế toán, điện thoại thông minh, phần mền bảo vệ, tuy nhiên mới áp dụng trong thực tế ở mức độ thấp, trong đó sử dụng phần phầm thiết bị để bảo vệ dữ liệu đã số hóa còn ở mưc thấp (đạt 1,98/5).

Về nhu cầu ứng dụng CNTT, công nghệ cao trong sản xuất hiện tại được HTX đánh giá tương đối cao, trong khi thực tế áp dụng ở mức thấp. Trong đó đáng lưu ý một số lĩnh vực có mức độ ứng dụng rất thấp như: Dự báo xu hướng phục vụ sản xuất (điểm 1,55/5), Phân tích dữ liệu phục vụ sản xuất (1,65/5). Tại một số HTX, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số mới được thực hiện thí điểm với quy mô nhỏ do chi phí đầu tư lớn so với tiềm lực tài tính hạn chế của HTX

Về nhu cầu ứng dụng CNTT trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng có khoảng cách lớn giữa nhu cầu và mức độ ứng dụng CNTT trong thực tế. Trong đó, đặc biệt khâu quản lý kho, thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ cao còn thấp, các HTX thực hiện quản lý xuất nhập, tồn kho trên sổ giấy, hoặc ứng dụng tin học văn phòng excel, chỉ có vài HTX có sử dụng phần mềm quản lý kho.

“Khả năng tiếp cận công nghệ cao bị hạn chế là một trong những khó khăn lớn nhất của các HTX nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra. Điều này cho thấy rằng một mặt đại dịch Covid-19 có tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực của các HTX thì việc ứng dụng CNTT, công nghệ cao cũng được các HTX chú trọng”, Liên minh HTX Việt Nam cho hay.

Khó khăn trong việc chuyển đổi số

Được thành lập từ năm 2017, HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện đang có 433 thành viên liên kết sản xuất, tiêu thụ với hơn 200ha đất sản xuất. Toàn bộ diện tích canh tác đều áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng giống mới, kỹ thuật trồng rau trên giá thể, kỹ thuật tưới tiêu bằng hệ thống tưới tưới phun, tưới nhỏ giọt, canh tác thủy canh…

Ông Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch hội đồng quản trị Sunfood cho hay: Các thành viên HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác để bảo đảm chất lượng đúng tiêu chuẩn, đồng đều, đặc biệt là dư lượng thuốc BVTV không được quá giới hạn cho phép, thu hoạch theo kế hoạch tiêu thụ của HTX với sản lượng cung cấp hàng năm bình quân 3.600 tấn/năm.

Hiện tại, HTX tổ chức bao tiêu và cung cấp nông sản cho trên 37 tỉnh, thành trong nước với 600 điểm bán lẻ; đồng thời bán hàng trên APP Sunfood, đưa sản phẩm thương hiệu SUNFOOD DALAT CO.OP đến trực tiếp người tiêu dùng.

“Trong quá trình hoạt động, HTX thường xuyên cập nhật và áp dụng những công nghệ và máy móc thiết bị mới, hiện đại để tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho kỹ thuật viên và người lao động trực tiếp. Chẳng hạn, việc sử dụng máy châm phân và tưới tự động đã góp phần giảm 40% chi phí nhân công và thời gian…”, ông Thạch chia sẻ.

Theo ông Thạch, xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX và thành viên, ngay từ khi thành lập, HTX chú trọng áp dụng vào quá trình canh tác và tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, việc chăm sóc vườn cây được hoàn toàn tự động qua các phần mềm thích hợp, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, mọi công việc quản lý sản xuất từ chăm sóc, tưới nước, tưới phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đều được thao tác trên một App đã được cài đặt sẵn chính xác về các chỉ số (như độ EC, PH máy …). Chỉ cần thực hiện cài đặt tỉ lệ mình mong muốn rồi phần mềm sẽ chạy đúng với yêu cầu.

Hệ thống cũng kiểm soát chính xác độ ẩm, tốc độ gió, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, HTX đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nên tiết kiệm tối đa nước tưới.

“Các dữ liệu sản xuất của HTX được cập nhật hàng tuần trên website của HTX, thể hiện rõ quy trình sản xuất rau, củ, quả tại nông trại. Chẳng hạn, màu xanh là cây mới trồng, màu đỏ là cây đang thu hoạch, cho biết luôn ngày xuống giống, ngày thu hoạch của lô vườn”, ông Thạch thổ lộ.

Hiện nay, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt đang bán hàng trên 4 App điện tử, có website riêng. Trung bình, mỗi ngày Sunfood bán từ 10 đến 20 tấn các loại rau, củ, quả.

Tuy nhiên, theo ông Thạch, quá trình chuyển đổi số của HTX vẫn đang gặp không ít khó khăn. Do khả năng vốn hạn hẹp, HTX chỉ có thể làm mô hình mẫu trên khu vực sản xuất tập trung, việc triển khai đại trà tới các vườn trồng phụ thuộc phần lớn vào năng lực cũng như nhận thức của các hộ thành viên, từ đó dẫn đến quá trình chuyển đổi số không đồng bộ, hạn chế hiệu quả đầu tư.

Khó khăn thứ 2 là nhân lực về công nghệ tin học của HTX rất hạn chế, hầu hết cán bộ xuất thân từ các ngành quản lý kinh tế, kiến thức tin học chủ yếu vẫn là tự học, sử dụng theo hướng dẫn của đơn vị tư vấn nên chưa nhanh nhạy, chủ động phát hiện ra những khâu, những công việc có thể chuyển đổi số.

Ba là hệ thống kho bãi, dịch vụ giao hàng của HTX chưa tương thích, chưa đáp ứng với môi trường thương mại điện tử, vì vậy việc giao hàng cho khách hàng tiêu dùng trực tiếp còn hạn chế.

“Theo tôi, cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ HTX về trang bị công cụ, phương tiện phục vụ chuyển đổi số. Thực hiện xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực cùng tham gia hỗ trợ HTX xây dựng hạ tầng số…”, ông Thạch nói.