Bắc Giang: Đơn giản hóa công nghệ trong nông nghiệp để nông dân làm chủ

Cùng với nhiều giải pháp, ngành nông nghiệp Bắc Giang hướng tới đơn giản hóa công nghệ trong nông nghiệp để mọi người dân có thể tiếp cận với tri thức mới và áp dụng vào thực tiễn.

u10.jpeg

Hình thành đội ngũ những nhà nông chuyên nghiệp

Liên quan nội dung tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ những người làm nông nghiệp chuyên nghiệp, nhiều chuyên gia, nhà quản lý phân tích, hiện nay chất lượng lao động nông nghiệp ở nước ta đang suy giảm. Lao động nông nghiệp còn khoảng 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).

Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, đồng thời chất lượng lao động nông nghiệp cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã thu hút nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị.

Từ đó dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động.

Vì vậy, tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ những nhà nông chuyên nghiệp hội tụ các yếu tố kiến thức, tư duy phát triển kinh tế, kỹ năng sản xuất hiện đại, có phương pháp quản trị, tổ chức liên kết sản xuất phù hợp là rất quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, tri thức hóa nông dân để người nông dân hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, tiếp cận số hóa, công nghiệp 4.0, được trang bị kỹ năng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nông nghiệp hiện đại phải có nông dân chuyên nghiệp.

 Áp dụng hệ thống điều khiển tự động trong sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ba yếu tố biến động là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường cần đáp ứng nhiều yêu cầu khắt  khe hơn, đồng thời cũng có cơ hội mang lại giá trị sản phẩm cao hơn. Muốn vậy người nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ để tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh sản phẩm một cách chuyên nghiệp.

Một trong những giải pháp cần thực hiện mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề cập là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn, từ đó đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nông dân, đặc biệt là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người.

Người nông dân phải có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới. Chính những người nông dân giỏi sẽ trở thành những người dẫn dắt nông dân trên cả nước trở thành nông dân chuyên nghiệp.

Bắc Giang quyết tâm chuyển đổi số trong nông nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhu cầu tiêu dùng chuyển mạnh sang các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hữu cơ.

Trong khi xu hướng đô thị hoá và phát triển công nghiệp đã kéo nguồn nhân lực trẻ, khoẻ từ nông thôn ra thành thị, vào các nhà máy, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Vì vậy, đặt ra yêu cầu người nông dân cần được tri thức hóa để đáp ứng với nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

“Tri thức hoá nông dân là điều các quốc gia phát triển đã làm để biến người nông dân thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường...”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.

Hợp tác xã Sao Thần Nông (huyện Yên Dũng) phối hợp với Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang tổ chức trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị máy bay không người lái.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà, Sở sẽ tập trung tri thức hóa cho người nông dân đang làm trực tiếp nông nghiệp bằng con đường khuyến khích người dân tự học; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho người dân tiếp cận với quy trình kỹ thuật mới, cách thức quản lý, thông tin thị trường, chuyển đổi số.

Đơn giản hóa công nghệ trong nông nghiệp để mọi người dân có thể tiếp cận với tri thức mới và áp dụng vào thực tiễn.

Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ canh tác, quản lý thị trường, công nghệ thông tin, kinh tế nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững.

Đẩy mạnh liên kết, đặt hàng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nhất là các trường đại học xung quanh tỉnh như Đại học Nông lâm Bắc Giang, Đại học Nông lâm Thái nguyên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp, hợp tác xã để đào tạo cho người dân.

Đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, ưu tiên đào tạo các nghề phục vụ sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác…

Khuyến khích, vận động người dân thành lập, phát triển các HTX nông nghiệp để liên kết với doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt đưa khoa học công nghệ và trình độ quản trị vào chuỗi giá trị giúp nâng cao trình độ cho người dân.

Triển khai hiệu quả chính sách đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể (hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể) theo quy định tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

“Cùng với xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, ngành đã mạnh dạn thực hiện các mô hình chuyển đổi số và mang lại hiệu quả tích cực, giảm sức lao động. Để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, tới đây ngành nông nghiệp sẽ quan tâm đẩy mạnh số hóa tại các vùng sản xuất lúa tập trung, bảo đảm tự động hóa khép kín từ khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch”, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho hay.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhìn nhận, những năm qua, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức song lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tích cực, trình độ sản xuất của nông dân nâng lên tầm cao, vượt trội so với nhiều địa phương.

Tỉnh Bắc Giang đã có nhiều sản phẩm vươn ra thế giới, có thương hiệu, uy tín, hình thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao, thu hút nhiều trí thức tham gia sản xuất nông nghiệp; các mô hình liên kết, HTX nông nghiệp... Thành quả ấy có đóng góp quan trọng của các cấp hội và hội viên nông dân trong tỉnh.