Cần Thơ: Hướng đến chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những hoạt động ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ hướng đến, nhằm minh bạch hóa trong quá trình sản xuất nông sản, triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên môi trường số và thích ứng với biến đổi khí hậu…

dscf4609-1632541141012-1632541141659204900656.jpg

Bước đầu chuyển đổi số…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu. Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh thu trong ngành Nông nghiệp…

TP Cần Thơ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp 114.256ha (chiếm 80% diện tích tự nhiên). Sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp là lúa, thủy sản, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hình thức sản xuất theo hộ cá thể là chủ yếu, trong đó có nhiều nông hộ được hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn kết với phát triển du lịch, sản phẩm OCOP; vùng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp lớn được hình thành ở một số quận, huyện. Đến nay, toàn thành phố có 46 chủ thể OCOP, với 92 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt sao. Tuy nhiên, tình hình ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp tại TP Cần Thơ đang ở giai đoạn bắt đầu, quy mô và số lượng chưa nhiều. Trong đó có một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu, như rau thủy canh; tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; quan trắc khí tượng thủy văn tự động…

Việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân TP Cần Thơ chủ yếu qua thương lái, trong đó có một số hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Sở NN&PTNT thành phố kết nối tiêu thụ nông sản bằng kênh trực tuyến và đã hỗ trợ tiêu thụ trên 30.000 tấn nông thủy sản; phối hợp với VNPT xây dựng sàn thương mại nông sản điện tử của TP Cần Thơ và chuẩn bị ra mắt với tên “chonongsancantho”; đồng thời, trên địa bàn cũng xuất hiện một số chủ thể bán hàng nông sản bằng hình thức trực tuyến…

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2022, chuyển đổi số đã được Sở đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cho cả thời gian tới. Nhiệm vụ này đã được thể hiện thông qua việc triển khai một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo ba trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung chuyển đổi số theo các tiêu chí mà Bộ NN&PTNT đưa ra…”.

Quyết tâm thực hiện

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ số để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương. Theo đó, hình thức truy xuất thường được áp dụng là phương pháp thủ công như ghi chép, trao đổi dữ liệu xử lý bằng tay, hoặc cũng có thể được thực hiện tự động thông qua các công nghệ hỗ trợ như công nghệ thông tin, mã số mã vạch, mã QR… để số hóa, trao đổi, truy xuất dữ liệu tự động. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và áp dụng các công nghệ thu thập dữ liệu trên nhãn truy xuất nguồn gốc đang trở nên phổ biến.

TP Cần Thơ đã có 43 cơ sở, 251 sản phẩm đã được phê duyệt thông tin, đăng tải trên hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của thành phố. Theo khảo sát, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp tăng 30% doanh thu cho doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ có những điểm mạnh, như bản quyền sử dụng nền tảng công nghệ CheckVN với 2 phát minh, sáng chế để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc. Check.cantho.gov.vn là hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý chất lượng, gắn với hoạt động quản lý của cơ quan quản lý. Tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn GS1...

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhằm định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dữ liệu về thị trường; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất (nhận diện, phòng chống sinh vật gây hại, dinh dưỡng, bệnh cây trồng - vật nuôi); đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp… Đặc biệt, ngành Nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý hệ thống dự báo, cảnh báo về thời tiết, dịch bệnh, thị trường, quản lý quy hoạch; hệ thống quản lý mã vùng sản xuất gắn với nhật ký sản xuất truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ; thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Quan tâm thực hiện giải pháp, nhiệm vụ về tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bao tiêu sản phẩm; nâng cao  trình độ nguồn nhân lực; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin cho ngành…

Ông Nguyễn Tấn Nhơn nhấn mạnh: “Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dữ liệu về thị trường. Song song đó còn xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đến nay, một số giải pháp đã được triển khai thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ số để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương. Việc làm này không những tạo ra sản phẩm chất lượng cao mà còn đảm bảo hiệu quả sản xuất của các hộ dân, tăng lợi nhuận, tăng kết nối, tăng giá bán sản phẩm…”.

Nguồn: Báo Cần Thơ