Thái Thụy: Đẩy mạnh chuyển đổi số

Huyện Thái Thụy (Thái Bình) đang triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy nhanh, hiệu quả công tác chuyển đổi số (CĐS) nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng trong việc quản lý, đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính (TTHC) khi người dân, doanh nghiệp giao dịch, làm việc tại cơ quan công quyền.

nganh-giao-duc-huyen-thai-thuy-day-manh-chuyen-doi-so-20422914112022.jpg 

Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC, thời gian qua, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thái Thụy đã đẩy mạnh giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện có 151 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện theo mức độ 3, 4. Từ đầu năm đến nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện đã đã tiếp nhận gần 3.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; đang triển khai tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Bà Đỗ Thị Thủy, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện, Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện cho biết: Khi công dân đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện giải quyết TTHC, chúng tôi tiếp nhận hồ sơ giấy của công dân và hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ điện tử, nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nhận trực tuyến, qua đó giúp thuận tiện cho tổ chức, công dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Hoạt động này trên địa bàn huyện Thái Thụy những năm qua đã có chuyển biến, đạt được kết quả nhất định trong kinh doanh và trong các ngành điện lực, y tế, giáo dục. 

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Điện lực Thái Thụy cho biết: Thời gian qua, Điện lực Thái Thụy đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đạt được những kết quả tích cực. Hiện có hơn 67.000/95.000 khách hàng của đơn vị đang thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đơn vị phấn đấu đạt tối đa số lượng khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, qua đó đem lại tiện ích cho khách hàng, nâng cao năng suất lao động và tính minh bạch của ngành điện.

Đối với cấp xã, công tác CĐS cũng được quan tâm, từng bước thực hiện hiệu quả. Theo ông Nguyễn Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Dương Phúc: Để triển khai công tác CĐS trên địa bàn, UBND xã chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn công dân thực hiện hồ sơ trực tuyến. Trong 11 tháng năm 2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã tiếp nhận gần 4.000 hồ sơ TTHC, giải quyết hồ sơ trực tuyến trên 80%. Trên trang thông tin điện tử của xã thường xuyên đăng tin, bài tuyên truyền hoạt động của xã cũng như công tác CĐS. Đẩy mạnh hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng với 10 tổ/58 thành viên hướng dẫn công dân thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, nộp học phí, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh, Thái Thụy đã thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp huyện, đồng thời xây dựng kế hoạch CĐS đến năm 2025, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện năm 2022... Tổ chức tuyên truyền về CĐS trên hệ thống truyền thanh huyện và cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện, thông qua các hội nghị. 

Theo ông Trần Ngọc Lâm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện: Thời gian qua, các ngành, địa phương trong huyện đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch CĐS của UBND huyện, đạt được những kết quả tích cực. Đối với chính quyền số, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính về dịch vụ công trực tuyến cũng như chữ ký số, xử lý các văn bản trên môi trường điện tử, thực hiện với phương châm hạn chế về giấy tờ, giảm về TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Về xã hội số, ngành giáo dục đẩy mạnh việc dạy và học trực tuyến; 36/36 xã, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 244/254 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn nhằm mục đích tiếp nhận cách cập nhật tin tức, hướng dẫn người dân các ứng dụng, tiện ích mà Chính phủ và tỉnh cung cấp. 100% khu vực dân cư trên địa bàn huyện được phủ sóng băng thông rộng. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh ước đạt 66%. Tỷ lệ gia đình có cáp quang băng thông rộng ước đạt 48%. Đối với kinh tế số, huyện xác định những mặt hàng trọng điểm, sản phẩm OCOP để đưa lên sàn thương mại điện tử. Tổ chức tập huấn thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển giao công nghệ với các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch; kết nối các đơn vị du lịch với nhà cung cấp dịch vụ mạng, ngân hàng để khách hàng đến với Thái Thụy được tiếp cận các hệ thống, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tốt nhất.

Thời gian tới, Thái Thụy tiếp tục đẩy mạnh tiến trình thực hiện CĐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Huyện phấn đấu tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt từ 80% trở lên, trong đó tỷ lệ văn bản điện tử có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân đồng chí lãnh đạo đạt từ 50% trở lên; hồ sơ TTHC trực tuyến đạt từ 50% trở lên hồ sơ ở mức độ 3, 4; số hóa đầy đủ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Nguồn: Báo Thái Bình