Thái Nguyên lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu của chuyển đổi số

Theo biểu đồ xếp hạng chỉ số tổng hợp về chuyển đổi số mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Thái Nguyên hiện đang đứng ở vị trí thứ 8 trong 63 tỉnh thành.

anh-chup-man-hinh-2021-12-31-luc-10-32-09-3466.png

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển toàn cầu, với sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới số, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đã từng bước được số hóa với quá trình phát triển chính quyển điện tử, chính quyền số, các hoạt động kinh tế – xã hội đang chuyển sang môi trường số (kinh tế số, xã hội số và cuộc sống số).

Nắm bắt thời cơ, xu thế chuyển đổi số sẽ tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31/12 là ngày chuyển đổi số.

Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội.

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên – Đỗ Xuân Hòa cho rằng: “Sau một năm thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, từ thành phố đến những vùng xa khó khăn đều nhận được sự tham gia có trách nhiệm và đầy hứng khởi của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố kết quả chuyển đổi số (năm 2021), tỉnh Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 7 địa phương xếp hạng A dẫn đầu cả nước.

Chuyển đổi số là việc làm mới và khó, trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như xếp hạng về xã hội số còn thấp, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Kinh tế số đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; hưởng thụ về chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng chương trình chuyển đổi số…”

Theo ông Đỗ Xuân Hòa, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

 

Thứ hai, phải bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 80 của UBND tỉnh đã đề ra; đồng thời phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp xuất phát từ thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Thứ tư, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phấn đấu trong giai đoạn tới mỗi hộ hộ gia đình có một đường cáp quang, mỗi người dân có một điện thoại thông minh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí; phát triển thương mại điện tử, đưa hàng hóa nông sản của nông dân lên sàn thương mại, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn.

Thứ năm, quan tâm xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số; sẵn sàng tiếp nhận thí điểm các giải pháp pháp công nghệ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi.

Quá trình chuyển đổi của Thái Nguyên sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực.

Nguồn: VOV